Không nên vội tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

09:20 - Thứ Năm, 04/07/2019 Lượt xem: 11512 In bài viết
ĐBP - Ðến ngày 23/6, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Tuần Giáo gây thiệt hại 587 con lợn có tổng trọng lượng hơn 28.000kg của 333 hộ, 87 bản, tại 13 xã trên địa bàn. Ðến cuối tháng 6/2019, đã có 7 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, gồm: Mường Thín, Nà Tòng, Chiềng Sinh, Ta Ma, Rạng Ðông, Pú Xi và Mùn Chung. Nhiều hộ dân tại các xã hết dịch nhanh chóng bắt tay vào việc tái đàn để khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp như hiện tại, cơ quan chuyên môn huyện chưa khuyến khích việc tái đàn, tăng đàn lợn vào thời điểm này.

 

Người dân bản Phiêng Pẻn, xã Mùn Chung chăm sóc lợn mới tái đàn sau dịch.

Gia đình bà Cà Thị Piêng, bản Phiêng Pẻn là một trong số những hộ chăn nuôi lâu năm của xã Mùn Chung. Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình bà cũng bị thiệt hại không nhỏ. Vì kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi nên khi thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, không phát sinh thêm lợn bệnh bà nhanh chóng tái đàn bằng cách mua lợn giống từ huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) về nuôi. Trước khi mua lợn về, bà tiến hành vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Ðến thời điểm này, đàn lợn của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu mắc bệnh dịch tả châu Phi. Cùng với gia đình bà Piêng, nhiều hộ dân khác trong bản Phiêng Pẻn cũng có những động thái tương tự ngay sau khi xã công bố hết dịch. Ông Lò Văn Kinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mùn Chung cho biết: Sau khi nhận được thông báo của UBND huyện Tuần Giáo về công bố hết dịch, xã chỉ đạo bà con tu sửa, tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Ðồng thời, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để có phương án phòng chống kịp thời nếu dịch bệnh tái phát. Nhiều hộ dân khi thấy tình hình ổn định liền mua lợn giống về khôi phục chăn nuôi. Ðến nay, toàn xã Mùn Chung có khoảng 80 hộ đầu tư tái đàn và tăng đàn lợn, với mức bình quân từ 4 - 15 con/hộ.

Thời điểm này, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng thuyên giảm, nhưng theo cơ quan chuyên môn huyện Tuần Giáo, người dân vẫn cần thận trọng trước khi khôi phục chăn nuôi. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Do đây là bệnh đầu tiên xuất hiện tại Ðiện Biên cũng như trên địa bàn huyện Tuần Giáo, lại chưa có vắc xin và thuốc điều trị nên nguy cơ tái phát và tiếp tục lây lan ra diện rộng là rất cao. Ngoài các xã đã công bố hết dịch, 5 xã còn lại vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn và có thể bùng phát trở lại. Qua theo dõi, ở các xã trên, cứ khoảng 2 - 3 ngày lại có lợn ốm được bà con đề nghị tiêu hủy nên chưa thể công bố hết dịch trên địa bàn toàn huyện. Trước nguy cơ như vậy, huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng chống dịch. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát các xã còn dịch cũng như đã công bố hết dịch để tránh việc dịch bệnh bùng phát trở lại. Hơn nữa, huyện cũng chưa khuyến khích việc tái đàn, tăng đàn lợn trở lại. Bởi lẽ, người dân tái đàn vào lúc này thì việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc, phế phẩm nông nghiệp... giữa các vùng với nhau rất dễ khiến cho dịch bệnh lây lan trở lại, khiến cho vốn đầu tư, công sức của người dân trở nên lãng phí. Vào thời điểm này, người dân cần thận trọng theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên nôn nóng khôi phục đàn lợn, có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại đại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top