Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường bán lẻ

09:06 - Thứ Hai, 08/07/2019 Lượt xem: 10010 In bài viết

ĐBP - Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), thời gian qua không chỉ các doanh nghiệp (DN) mà nhiều hộ kinh doanh nhỏ trên địa bàn tỉnh đã có thêm cơ hội đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

 

Người dân mua hàng tại chợ phiên lối mở A Pa Chải (huyện Mường Nhé). Ảnh: Phương Liên

Hàng năm, từ hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, Trung tâm XTTM (Sở Công Thương) đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện vùng cao: Mường Nhé, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao, biên giới. Mỗi phiên chợ có từ 14 - 16 tổ chức, DN trong và ngoài tỉnh tham gia với quy mô khoảng 30 gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa. Trong đó, nhiều DN địa phương và DN sản xuất hàng Việt Nam có đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH 565 Ðiện Biên, Công ty TNHH Việt Mận, Công ty Cổ phần thương mại du lịch và dịch vụ tổng hợp Ðiện Biên, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Lan, Doanh nghiệp Tư nhân thương mại xây dựng Thịnh Vượng; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ viễn thông như: Tập đoàn Viễn thông quân đội, Mobiphone Ðiện Biên, Bưu điện tỉnh… 

Ðể hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng, thời gian qua Trung tâm XTTM tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hội chợ thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm hàng hóa. Ðồng thời, tạo cơ hội cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin giúp các DN thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, có chiến lược phát triển mới. Những thông tin, chương trình XTTM đã tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng, giá ưu đãi. Hoạt động phát triển thị trường và tổ chức kết nối giao thương trong nước và ngoài nước được tiến hành thường xuyên nhằm xác định sản phẩm thế mạnh và định hướng sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, DN hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng, tiềm năng của thị trường để mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng nhập ngoại.

Không chỉ nhiều DN mà hiện nay, ở hầu hết các thị trấn, xã vùng cao mạng lưới bán lẻ của các hộ kinh doanh được phân phối rộng khắp. Người dân không chỉ tìm kiếm sản phẩm tại mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao được tổ chức hàng năm mà có thể mua sắm hàng hóa ngay tại địa bàn sinh sống. Ðến nay, toàn tỉnh có trên 11.900 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh. Trong đó, hơn 500 công ty, 261 doanh nghiệp, 65 chi nhánh; 8 văn phòng đại diện, trên 8.800 hộ kinh doanh và 2.141 hộ kinh doanh nhỏ, lẻ. Hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại được ngành Công Thương quan tâm triển khai, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; tăng cường công tác dự báo cung cầu, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa trong các dịp lễ, tết như: Tết Nguyên đán, Lễ hội Hoa Ban, Giỗ tổ Hùng Vương, dịp 30/4 và 1/5… Sở Công Thương đã hướng dẫn Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cấp phép đối với mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Ðồng thời, triển khai các bước thực hiện dự án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản có thế mạnh của tỉnh Ðiện Biên”; nắm bắt diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, tổ chức nguồn hàng dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra những diễn biến bất thường. Ðặc biệt là giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện các vi phạm để lập phương án xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các thương nhân đều được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên thị trường tỉnh ước đạt 6.288,4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top