Thách thức trước mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020

10:26 - Thứ Ba, 09/07/2019 Lượt xem: 9416 In bài viết
Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới vừa được ký kết và thực hiện, Việt Nam cần có đội ngũ doanh nghiệp (DN) đông về số lượng, mạnh về chất lượng, mới có thể xây dựng một nền kinh tế tự cường. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển được đội ngũ DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với ít nhất một triệu DN hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu này đang là thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ mang tính chất đột phá từ khâu thiết kế chính sách đến quá trình tổ chức thực hiện.

Bài 1: Gian nan chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Xét về các đơn vị kinh tế, hộ kinh doanh luôn là lực lượng đông đảo nhất của nền kinh tế Việt Nam, nhưng hoạt động còn manh mún, đóng góp vào ngân sách nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Được xem là lực lượng “dự bị” của cộng đồng DN, vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN đã được đặt ra từ khi triển khai Luật DN năm 2000, song trên thực tế, đến nay, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang thành lập DN không đáng kể.

 

Người dân mua hàng tại một hộ kinh doanh cá thể tại chợ Đồng Xuân (TP Hà Nội).

Không muốn chính danh

Khởi sự kinh doanh từ một tiệm may trong phố nhỏ ở quận Hà Đông (Hà Nội) cách đây gần 10 năm, đến nay, chị Duy Anh đã chuyển sang làm hàng thiết kế phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp và xây dựng được cơ ngơi 5 tầng khang trang ở mặt phố lớn, mỗi tầng có chức năng riêng phục vụ cho công việc kinh doanh và sinh hoạt gia đình. Cơ sở của chị luôn duy trì hơn 10 thợ may, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng bốn tỷ đồng, lợi nhuận mỗi tháng vài trăm triệu đồng nhưng mức thuế khoán phải nộp chỉ 400 nghìn đồng/tháng và không thay đổi kể từ khi đăng ký kinh doanh. Các nghĩa vụ khác như ký hợp đồng với người lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí lập hồ sơ quản lý và theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy… đều không thực hiện và cũng chưa bao giờ bị cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc. Khi được hỏi có định hướng mở rộng quy mô và chuyển sang hoạt động theo hình thức DN hay không, chị Duy Anh cho biết, công việc kinh doanh khá thuận lợi, cho nên có thể tính đến việc mở rộng quy mô, nhưng không có nhu cầu chuyển lên DN vì chuyển đổi chỉ có mất chứ không có được.

Tương tự, nối nghiệp truyền thống kinh doanh của gia đình, anh Xuân Phú duy trì cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng tạp hóa ở mặt tiền phố Đồng Xuân (Hà Nội) đã gần 30 năm. Doanh thu mỗi năm lên đến hơn 10 tỷ đồng nhưng mỗi tháng hộ kinh doanh của anh Phú chỉ nộp thuế sáu triệu đồng, bao gồm thuế khoán và thuế tính trên doanh thu thực tế phát sinh trên hóa đơn. Anh cho biết, trước năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của cửa hàng cao hơn, nhưng mức thuế phải nộp lại thấp hơn vì được gộp chung vào một mức thuế khoán. Buôn có bạn, bán có phường, anh Phú cũng như các hộ kinh doanh khác trên phố Đồng Xuân đều không có nhu cầu đăng ký DN vì hoạt động ở hình thức hộ kinh doanh có lợi hơn nhờ không ký hợp đồng với người lao động, không phải có bộ máy kế toán,… giảm được rất nhiều chi phí.

Trải lòng về nguyên nhân không muốn lên DN, chị Phan Thị Hoài Thu, 35 tuổi, trú tại phường 4, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, trước hết là do thủ tục hành chính rườm rà, nhất là việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh và thuế. “Hai năm trước, chúng tôi bắt đầu tổ chức kinh doanh ở hình thức hộ gia đình. Do không có đầu mối hướng dẫn nên mất gần nửa năm mới hoàn thiện được thủ tục kinh doanh hợp pháp. Sau đó, rất nhiều đoàn kiểm tra đến, mỗi đoàn kiểm tra một nội dung, thậm chí còn có thái độ hách dịch, đe nẹt khiến chúng tôi rất mệt mỏi”, chị Thu chia sẻ. Chị cho biết, giữa năm 2018, vì quên báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, Chi cục Thuế TP Đà Lạt có “trát” phạt rất nặng. Tháng 3-2019, bỗng dưng cơ quan thuế gọi điện thông báo còn nợ thuế năm 2018, trong khi hộ kinh doanh của chị đã nộp thuế hết quý I-2019. Đến làm việc với cơ quan thuế, chị mới biết, tất cả khoản thuế đã nộp và khoản phạt đã thi hành đều không được cập nhật cho nên hệ thống dữ liệu vẫn hiển thị hộ kinh doanh của chị còn nợ thuế. “Cơ quan thuế làm sai nhưng không có động thái xin lỗi, sửa chữa. Tôi hỏi tên tuổi, chức danh của người hối thuế nhưng đáp lại chỉ là thái độ khó chịu khiến người nộp thuế rất ức chế. Nộp thuế khoán đơn giản mà còn như vậy, nên chúng tôi không có ý định chuyển đổi lên DN vì cách tính thuế phức tạp hơn thì còn bị hành nhiều hơn”, chị Thu bức xúc.

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2018, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm cho khoảng 8,6 triệu lao động. Còn theo Tổng cục Thuế, chỉ có gần 1,8 triệu hộ kinh doanh thuộc diện quản lý của cơ quan thuế, đóng góp 18.058 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (NSNN), chiếm 1,61% trong tổng số thu NSNN do ngành thuế quản lý. Như vậy, vẫn có khoảng 3,3 triệu hộ kinh doanh chưa đăng ký, nghĩa là đứng ngoài sự đóng góp và kiểm soát của Nhà nước. Kết quả điều tra về khả năng chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện năm 2017 cho thấy, chỉ có 17,8% số DN được điều tra thực hiện đăng ký, thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh; 11,3% hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi (có quy mô từ 10 lao động trở lên) nhưng vẫn không thực hiện đăng ký thành lập DN. Còn theo Tổng cục Thuế, từ tháng 3 đến tháng 6-2019, dữ liệu của ngành thuế ghi nhận chỉ có 268 DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trước thời điểm tháng 3-2019, Luật DN không quy định trong hồ sơ đăng ký thành lập DN phải kê khai thông tin là hộ kinh doanh chuyển đổi cho nên không lưu được số liệu.

Nhiều ưu đãi chậm đi vào cuộc sống

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các hộ kinh doanh không muốn chuyên đổi thành DN là do hình thức tổ chức hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn DN, nhất là ở chi phí tuân thủ quy định, mức đóng thuế và sự gây khó dễ của một số cơ quan công quyền. Thông thường tổng thuế điều tiết đối với hộ kinh doanh từ 1,5% đến 7% trên doanh thu, trong khi thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) là 20% trên thu nhập chịu thuế (doanh thu trừ chi phí). Đồng thời, hộ kinh doanh không phải thực hiện sổ sách kế toán, được sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ mà không khống chế chủng loại, giá trị của hàng hóa, dịch vụ. Nguyên nhân quan trọng khác là chưa có chế tài xử lý những hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập DN, nhưng vẫn “ẩn mình” né thuế. Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay chưa có chính sách và mô hình quản lý phù hợp đối với hộ kinh doanh quy mô lớn, doanh thu từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm, các giao dịch hàng hóa từng lần lên đến hàng chục tỷ đồng/hóa đơn. Nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán, nhưng hoạt động trong các lĩnh vực cung cấp máy móc, thiết bị công nghệ cao (thiết bị y tế, thiết bị thí nghiệm, máy móc xây dựng), cung cấp hàng tiêu dùng nhập khẩu, cung cấp nguyên vật liệu có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản (gỗ, cát, sỏi, đá xây dựng), là những lĩnh vực hoạt động kinh doanh không phù hợp với mô hình hộ khoán không thực hiện sổ sách kế toán. Việc “núp bóng” ở mô hình hộ khoán dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế, lợi dụng hóa đơn của hộ kinh doanh để tiêu thụ hàng hóa nhập lậu, hợp thức hóa đầu vào cho DN để trốn thuế TNDN… Thực tế có nhiều hộ kinh doanh mới thành lập, nhưng đã phát sinh doanh thu sử dụng hóa đơn lên đến cả trăm tỷ đồng/năm. Nếu cơ quan thuế thực hiện kiểm tra thì đóng cửa, giải thể để thành lập hộ kinh doanh mới, tránh việc kiểm soát của cơ quan thuế.

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 nhưng đến nay, nhiều nội dung quan trọng có tính chất hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định giảm thuế và nhiều chi phí cho các DN thành lập từ hộ kinh doanh. Cụ thể, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của thuế TNDN, nhưng mức giảm lại quy định ở các luật thuế nên đòi hỏi phải sửa các luật thuế liên quan. Các luật này đến năm 2020 mới được đưa vào chương trình sửa đổi. Do đó, trong thời gian chờ sửa luật, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số chính sách thuế hỗ trợ, phát triển DNNVV. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN cho nhóm DNNVV xuống còn 15% đến 17% thay vì mức chung 20% như hiện nay, đồng thời miễn thuế TNDN trong hai năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh “mạnh dạn” chuyển đổi lên DN. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết sớm nhất cũng phải đến kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV mới xem xét, thông qua.

Đáng lưu ý là ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, năm 2017, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung sáu luật về thuế, trong đó tổng hợp nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Chính phủ chỉ tách ra ưu tiên sửa ba luật trước, gồm Luật Thuế TNDN, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng. Dự án này đến nay vẫn chưa được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Theo các chuyên gia, chính sách ưu đãi thuế dè dặt và chậm được ban hành, thực thi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, cũng như mục tiêu đạt một triệu DN hoạt động vào năm 2020.

Để động viên hộ kinh doanh tiến tới đăng ký thành lập DN cần có thêm những động thái thật sự mang tính hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đó không chỉ là thủ tục đơn giản nhưng hiệu lực, hiệu quả cao, mà còn là thái độ của công chức thi hành nhiệm vụ đối với người kinh doanh, người nộp thuế. Giải được bài toán này là một trong những “chìa khóa” mấu chốt của bộ máy hành chính nhà nước mang tính kiến tạo, giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Một khi hộ kinh doanh, người nộp thuế còn e ngại khi tiếp xúc với cơ quan công quyền, thì mục tiêu về số lượng cũng như chất lượng DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng rất khó đạt được. Đó chính là một hành trình tự “giải phẫu” sức ỳ của chính quyền nhà nước cũng như các hộ kinh doanh. Nếu “hàn thử biểu” của nền kinh tế là DN, hộ kinh doanh không còn sức sống dẻo dai, mãnh liệt, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tính an toàn của nguồn thu NSNN cũng như một nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định.

Đối với một hộ kinh doanh có quy mô 10 lao động khi chuyển thành DN, chi phí tuân thủ tối thiểu lập tức tăng thêm 181,2 triệu đồng nếu áp dụng theo đúng quy định của Luật DN và các quy định pháp luật có liên quan. DN tư nhân (DN cá thể, DN một chủ) cũng phải chịu đúng mức chi phí như vậy do Luật DN và các luật liên quan không có quy định riêng về các nghĩa vụ pháp lý đối với loại hình DN này, mặc dù quy mô và bản chất của DN tư nhân rất gần với hộ kinh doanh và khác xa so với các hình thức DN cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên. Quy định áp dụng không tính đến sự khác biệt khiến cho chi phí tuân thủ của các DN tư nhân trở nên quá cao so với hộ kinh doanh.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top