Chậm vốn trồng rừng phòng hộ

08:35 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 10050 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, do nhiều nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên nói chung và rừng phòng hộ nói riêng trên địa bàn huyện Mường Chà bị xâm hại, tàn phá. 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã xảy ra 21 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, trong đó 15 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá trên 50.601m2 (tăng 13.895m2 so với cùng kỳ năm 2018). Giữ rừng đã khó, việc trồng mới rừng, nhất là rừng phòng hộ cũng là bài toán không đơn giản đối với huyện Mường Chà.

 

Người dân xã Mường Mươn nhận cây giống, chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2018.

Theo thống kê của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà, vài năm trở lại đây, công tác phát triển rừng, trồng rừng phòng hộ gặp rất nhiều khó khăn và hầu như năm nào cũng không đạt hoặc đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2015 huyện được giao trồng 220ha rừng phòng hộ, song thực hiện được 7,6ha và 3,43ha trồng rừng thay thế; năm 2016, thực hiện được 6,8ha/40ha chỉ tiêu giao; năm 2018 thực hiện 28,21ha/50ha chỉ tiêu giao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai trồng rừng phòng hộ gặp khó khăn. Một trong số đó là suất đầu tư quá thấp nên người dân không mặn mà trồng rừng. Cụ thể, năm 2015 từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, mỗi héc ta trồng rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng bao gồm cả công chăm sóc, bảo vệ trong 4 năm. Hầu hết, chỉ năm đầu tiên người dân tham gia trồng rừng nhiệt tình, từ năm thứ 2 trở đi người dân không quan tâm chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Các diện tích triển khai trồng rừng phòng hộ thường nằm tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức lao động nên người dân ngại tham gia. Ngoài ra, tập quán sản xuất, đời sống kinh tế dựa chủ yếu vào làm nương trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp người dân lo sợ khi trồng rừng phòng hộ sẽ mất đất sản xuất.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà thì một trong những nguyên nhân chính khiến trồng rừng phòng hộ trên địa bàn huyện đạt thấp là do vốn giao muộn. Thường khi mùa trồng rừng đã bắt đầu, thậm chí có năm sắp kết thúc thì nguồn vốn mới được cấp. Ðơn cử như mùa trồng rừng năm 2016, đến tháng 5 UBND tỉnh mới giao vốn; mùa trồng rừng năm 2017, đến tháng 7 tỉnh mới giao vốn. Trong khi đó tại nhiều địa bàn người dân tham gia trồng rừng yêu cầu phải được ứng tiền mới thực hiện. Mùa trồng rừng năm 2018, huyện Mường Chà được giao trồng 50ha rừng phòng hộ. Kết thúc mùa trồng rừng, mặc dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, song huyện Mường Chà cũng thực hiện trồng được 28,21ha rừng phòng hộ tại xã Mường Tùng. Tuy nhiên rừng trồng xong đã hơn 1 năm, bước sang giai đoạn chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp năm thứ 2 nhưng số tiền gần 1 tỷ đồng chi phí trồng rừng đến nay vẫn chưa được phân bổ. Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết, song đến thời điểm hiện tại chưa có vốn để chi trả. Do đó nhiều hộ dân bức xúc, bỏ bê việc chăm sóc diện tích rừng đã trồng.

Năm 2019, huyện Mường Chà tiếp tục được giao chỉ tiêu trồng mới 30ha rừng phòng hộ. Kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm nay sẽ khó thực hiện được vì mùa trồng rừng đã đi quá nửa thời gian trong khi thiết kế, lập hồ sơ rất mất thời gian. Hiện tại, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà mới triển khai công tác tuyên truyền, vận động; rà soát các diện tích có thể đưa vào trồng rừng phòng hộ và tiếp tục đợi vốn mới có thể triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Thực tế, ở đâu người dân hiểu rõ lợi ích của rừng và đồng thuận tham gia thì ở đó việc trồng rừng diễn ra thuận lợi, rừng được bảo vệ và phát triển tốt. Do đó, để kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện Mường Chà đạt kết quả tốt, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân thấy được ý nghĩa và lợi ích của việc trồng rừng. Ðồng thời cấp thẩm quyền, ngành chức năng cần có giải pháp sớm phân bổ kinh phí trồng rừng cho cơ sở triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top