Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM

08:37 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 11089 In bài viết

ĐBP - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nếu như với nhiều địa bàn miền xuôi có xuất phát điểm tương đối thuận lợi, có lợi thế về đất đai, giao thông, cơ sở vật chất, thì Ðiện Biên còn nhiều khó khăn. Vấn đề mấu chốt đó là xuất phát điểm thấp và thiếu vốn đầu tư. Ðể khắc phục hạn chế này, giải pháp căn cơ nhất và đồng thời cũng là hướng đi được tỉnh đề cao, chú trọng, đó là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

 

Người dân xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn.

Mường Chà là một trong những địa phương được xem là thuận lợi so với các huyện vùng cao. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở đây gặp không ít khó khăn. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay đời sống của người dân nói chung, các xã khó khăn vùng cao nói riêng đã được nâng lên, người dân được tiếp cận với các phương thức sản xuất mới, theo hướng hàng hóa và khoa học hơn. Qua đó, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực sẵn có ở địa phương, như: đất sản xuất, nhân lực… vươn lên ổn định cuộc sống.

Cùng với việc lựa chọn vùng miền và phần việc cụ thể để đầu tư, tập trung thực hiện, thì theo ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, giải pháp được huyện chú trọng đó là huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Ðể làm được điều đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, làm sao để các cá nhân, tổ chức đều hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM từ đó có sự tham gia, đóng góp theo hướng đi vào thực chất.

Hoạt động được cho là hiệu quả nhất trong huy động nguồn vốn xây dựng NTM đó là việc người dân ủng hộ ngày công lao động, nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương. Ông Giàng Pàng Sú, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhiều tuyến đường, nhất là đường liên bản, trước đây chỉ là đường đất lầy lội vào mùa mưa, nhưng nay đều được bê tông hóa sạch đẹp. Góp phần hình thành được những con đường đó, ngoài nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình NTM và sự kết hợp linh hoạt các nguồn vốn khác của các cấp, thì có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân. Người góp đất, người không có đất thì đóng góp ngày công lao động. Chính vì có sự tham gia của cộng đồng nên mọi người cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn và nhất là các hoạt động lao động, vệ sinh đường làng ngõ xóm diễn ra rất sôi nổi”.

Ðiện Biên là một trong những địa phương được đánh giá có phong trào xây dựng NTM tương đối tốt, trong khi xuất phát điểm lại thuộc diện thấp. Ða phần dân số sống bằng nghề nông nghiệp, song lĩnh vực này lại phát triển không ổn định, do thiếu sự liên kết trong sản xuất. Nhận thức rõ những khó khăn nội tại, tỉnh đã tập trung nguồn lực để xây dựng NTM trở thành phong trào có sự thay đổi về chất. Các phong trào phát triển sản xuất theo mô hình, có sự liên kết, hoặc kinh tế tập thể được khuyến khích, tạo thành phong trào sôi nổi ở các địa phương.

Ðể công tác xây dựng NTM thật sự đạt được kết quả như mong muốn phải tạo sự chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính. Hiểu được điều này, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư; đồng thời mở rộng quy chế, theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân có chủ trương đầu tư.

Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Ðến nay, thị xã Mường Lay và thành phố Ðiện Biên Phủ hoàn thành nhiệm vụ chương trình xây dựng NTM. Ðể đạt được kết quả đó, tỉnh đã huy động và triển khai trong giai đoạn 2016 - 2019, với tổng nguồn vốn lên tới trên 7.306 tỷ đồng. Do sử dụng hiệu quả nguồn vốn này nên Ðiện Biên là một trong những tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, với tiêu chí bình quân đạt 8,6 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí. So với nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1865/QÐ-TTg, ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì Ðiện Biên đã vượt chỉ tiêu 15 xã, với tỷ lệ số xã đạt chuẩn vượt 12,7%.

Mặc dù những con số nêu trên còn hết sức khiêm tốn nhưng nếu nhìn nhận khách quan từ những khó khăn, thách thức và xuất phát điểm mà Ðiện Biên đối mặt, thì rõ ràng đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn. Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, trong đó chính người dân là chủ thể đang là định hướng mà các địa phương trong tỉnh xác định. Cùng với cơ chế, chính sách phù hợp là những việc làm sáng tạo, hiệu quả theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương nhằm đạt mục tiêu xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top