Nâng cao giá trị kinh tế rừng

08:57 - Thứ Hai, 15/07/2019 Lượt xem: 10909 In bài viết
ĐBP - Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách khuyến lâm, giao đất, giao rừng, hiệu quả kinh tế từ lâm nghiệp đã góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân cho dù việc nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế lâm nghiệp vẫn đang gặp những khó khăn.

 

Người dân xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây keo.

Hiện nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bảo vệ 272.990ha rừng tự nhiên (đạt 95% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh 9.303ha rừng (trong đó khoanh nuôi mới 700ha; khoanh nuôi chuyển tiếp 8.603ha); trồng 75,15ha rừng tập trung. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác gỗ toàn tỉnh đạt hơn 4.300m3, khai thác củi đạt 422.672m3. Tuy sản lượng, năng suất rừng hiện nay đã tăng so với giai đoạn trước nhưng giá trị kinh tế mà rừng mang lại vẫn còn thấp. Thực tế, nhiều nơi rừng sản xuất chưa đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng để có thể giảm cách biệt thu nhập so với các cây trồng và ngành nghề khác. Người dân có rừng nhưng chưa làm giàu được từ rừng. Ða phần người dân chưa hiểu được giá trị của việc trồng cây gỗ lớn cũng như chưa kết hợp phát triển các lâm sản ngoài gỗ như: trồng cây dược liệu, nuôi ong, các loại cây khác dưới tán rừng… Do đó, hiệu quả sử dụng đất thấp, thu nhập của người trồng rừng vì thế cũng không cao. Bên cạnh đó, do khó khăn về vốn trồng rừng phòng hộ (năm 2019, có 10 dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững không được bố trí vốn); trong khi thời tiết những năm gần đây diễn biến bất thường, khắc nghiệt (rét đậm, rét hại; nắng nóng kéo dài).

Huyện Mường Ảng đã thực hiện trồng rừng sản xuất đạt gần 2.000ha, chủ yếu là cây keo, mỡ... Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, các cơ quan chức năng huyện tích cực phối hợp với chính quyền các xã chỉ đạo chăm sóc rừng trồng, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Huyện hiện có gần 50ha gỗ keo, mỡ (loại rừng trồng sản xuất) trồng năm 2005 trên địa bàn các xã: Ẳng Tở, Búng Lao và Ẳng Cang đã đến tuổi khai thác. Sản phẩm được Doanh nghiệp An Phú thu mua với giá 850.000 đồng/m3 gỗ mỡ, 325.000 đồng/ster gỗ keo. Năm 2018, Công ty đã thu mua 95m3 gỗ keo, 34m3 gỗ mỡ... Nguồn thu nhập từ bán gỗ đã tạo động lực, khuyến khích người dân trồng rừng. Huyện Mường Ảng cũng tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với các hộ trồng rừng để người dân đủ điều kiện vay vốn đầu tư phát triển sản xuất theo Quyết định 755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2019, kế hoạch trồng mới rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 1.016,4ha (gồm 135ha rừng phòng hộ và 881ha rừng sản xuất). Theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ðiện Biên được giao trên 42 tỷ đồng phục vụ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Song vốn chủ yếu được bố trí cho các chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng phòng hộ… nên nguồn vốn cho trồng rừng sản xuất rất hạn hẹp. Ngành chức năng, chính quyền địa phương ngoài chỉ đạo người trồng rừng chăm sóc tốt diện tích rừng mới trồng và những diện tích chuẩn bị cho thu hoạch, cần hướng dẫn người dân chủ động kết hợp phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, các loại lâm sản phụ để tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Về lâu dài để nâng cao giá trị từ rừng trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần quan tâm đầu tư nguồn lực tốt hơn cho trồng rừng sản xuất (nhất là vốn) để hình thành vùng nguyên liệu lớn, bền vững; thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top