Huyện Mường Nhé

Sản xuất trên đất dốc chậm thời vụ

08:59 - Thứ Hai, 15/07/2019 Lượt xem: 9884 In bài viết
ĐBP - Toàn huyện Mường Nhé hiện có 5.253ha cây trồng nông nghiệp trên đất dốc, chủ yếu là ngô và lúa nương. Mùa mưa cũng là lúc nông dân huyện Mường Nhé chuẩn bị gieo trồng trên đất dốc. Thời điểm này, nông dân các xã đã gieo cấy được 3.108ha trên đất dốc (đạt 59% kế hoạch năm); trong đó, 999ha ngô, 2.109ha lúa nương. Vụ hè thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến thời vụ muộn hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1 tháng; đồng thời, loài sâu keo mùa thu phá hoại trên cây ngô đang bùng phát, lan rộng ở một số xã, có nguy cơ gây thất thu nhiều diện tích ngô của nông dân.

 

Nông dân bản Tân Phong, xã Mường Nhé, chăm sóc cây ngô trên đất dốc.

Ông Bùi Văn Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Nhé cho biết: Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, theo dõi diễn biến thời tiết, bệnh dịch để có hướng giúp bà con đảm bảo các diện tích gieo trồng trên đất dốc; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, để chủ động cung ứng vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng.

Mường Toong là một trong những xã có diện tích cây trồng trên đất dốc khá lớn, với hơn 300ha. Vụ sản xuất này, nông dân xã Mường Toong gieo trồng được gần 2/3 diện tích; trong đó chủ yếu là ngô (trên 150ha) và lúa nương. Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong, cho biết: Vụ này bà con gieo trồng trên nương bị chậm thời vụ nên nhiều hộ khá lúng túng, bất an. Tuy nhiên, ngay khi thời tiết thuận lợi, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp với các trưởng bản tổ chức họp bản để vận động, đôn đốc bà con nhanh chóng phát nương, làm đất để gieo trồng; đồng thời tuyên truyền, động viên bà con yên tâm, khắc phục khó khăn, nỗ lực gieo trồng đảm bảo thời vụ.

Xã Mường Toong có 7/18 bản tái định cư theo Ðề án 79, người dân tộc Mông ở các bản gieo trồng 100% trên đất nương dốc. Ðể bà con ở các bản yên tâm và tập trung gieo trồng, trực tiếp cán bộ khuyến nông và chủ tịch UBND xã đã vào các bản cầm tay chỉ việc, hướng dẫn và theo dõi sát sao việc gieo trồng của người dân.

Có mặt tại nương dốc của bà con bản Mường Toong 7, chúng tôi thấy những cây ngô non, lúa nương mới trồng đang xanh tốt, hứa hẹn vụ hè thu năng suất cao. Ông Hờ A Chá, bản Mường Toong 7 cho biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo trồng 2,5ha lúa nương và ngô. Những vụ trước, ngay từ đầu vụ tôi chú trọng khâu làm đất, đảm bảo thời gian ủ đất sau khi đốt nương nên giai đoạn đầu, lúa, ngô phát triển tốt. Gia đình tôi được chính quyền hỗ trợ giống và phân bón nên chúng tôi tích cực triển khai gieo cấy đảm bảo thời vụ”.

Ðến xã Mường Nhé thăm những diện tích trồng ngô trên đất dốc của bà con bản Tân Phong, chúng tôi được biết, hiện nay bà con bản Tân Phong đã trồng được trên 40ha ngô nếp vụ hè thu. Tuy nhiên, nhiều nương ngô mới trồng đang bị sâu keo mùa thu đục thân, khoét lá nên cây kém phát triển. Cá biệt, có một số cây ngô đã chết và sâu keo đang lây lan sang các nương ngô khác. Anh Giàng A Sáu, Trưởng bản Tân Phong, cho biết: “Khi phát hiện ra sâu keo phá hoại cây ngô cán bộ xã đã xuống kiểm tra, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phun phòng, nhưng loài sâu keo này rất khó diệt, sau vài hôm phun thuốc sâu đã xuất hiện trở lại. Dân bản chúng tôi bất an lắm, vì thu nhập của nhiều hộ chỉ trông chờ vào những nương ngô này thôi!”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vừ A Thào, cán bộ khuyến nông xã Mường Nhé cho biết: “Chúng tôi cũng đau đầu trong việc tìm loại thuốc diệt sâu keo cho bà con. Ngày nào chúng tôi cũng xuống bản, cùng bà con phun phòng, có ngày phun tới ba lần. Rồi tìm đủ các loại thuốc thay thế nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện tại, chúng tôi vẫn nỗ lực cùng bà con bản Tân Phong nghiên cứu phương án diệt trừ sâu keo cho triệt để”.

Ðể vụ sản xuất đạt kết quả cao, các cơ quan chuyên môn của huyện Mường Nhé một mặt tăng cường công tác hỗ trợ trong kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; mặt khác, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trong huyện khắc phục những khó khăn về sâu bệnh, thời tiết và áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy để đạt năng suất cao.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top