Thiếu vốn xây dựng nông thôn mới các xã biên giới

08:49 - Thứ Sáu, 19/07/2019 Lượt xem: 10948 In bài viết
ĐBP - Ðề án Xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới (gọi tắt Ðề án 29 xã) giai đoạn 2016 - 2020 triển khai trên địa bàn tỉnh với kỳ vọng giúp 29 xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, nguồn vốn thực hiện Ðề án 29 xã phân bổ không kịp thời nên kết quả chưa được như mong muốn.

 

Vốn đầu tư của Ðề án 29 xã chưa được bố trí, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) phải lồng ghép các nguồn vốn chung mục tiêu để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nhà văn hóa bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Ðề án 29 xã được triển khai trên địa bàn 4 huyện: Ðiện Biên (12 xã), Mường Chà (3 xã), Nậm Pồ (8 xã) và Mường Nhé (6 xã). Tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư trực tiếp, vốn sự nghiệp và các nguồn khác. Mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ số xã vùng dự án sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Ðến nay, trong số 29 xã thuộc Ðề án, có 5 xã đạt chuẩn NTM là: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); 2 xã cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí: Mường Mươn (huyện Mường Chà), Sín Thầu (huyện Mường Nhé); 1 xã đạt 10 tiêu chí; 21 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. So với mục tiêu Ðề án 29 xã, đến năm 2020 có 7 xã được công nhận NTM, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 5 xã đạt 13 tiêu chí, 5 xã đạt 12 tiêu chí, 7 xã đạt 11 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí và không còn xã dưới 10 tiêu chí thì khối lượng công việc còn rất nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Khó khăn nhất ở Ðề án 29 xã là thiếu vốn. Ðến hết năm 2018, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện đề án là 48 tỷ đồng, đạt 24% tổng nhu cầu vốn. Giai đoạn 2016 - 2018, nguồn vốn đầu tư phát triển chưa được Trung ương bố trí. Vốn đầu tư chưa có nên hạ tầng các xã biên giới chưa được đầu tư.

Xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) có đường biên giới với nước CHDCND Lào dài 18,047km, có 6 dân tộc cùng sinh sống. Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, hạ tầng nông thôn yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 80%. Ðề án 29 xã được cấp ủy, chính quyền và người dân xã Chung Chải kỳ vọng làm thay đổi cuộc sống người dân, diện mạo nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ ít nên kết quả rất hạn chế.

Ông Lỳ Ðồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Ðề án 29 xã biên giới, đến nay, xã Chung Chải mới đạt 5/19 tiêu chí NTM, gồm: Quy hoạch; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; cơ cấu lao động; giáo dục và quốc phòng - an ninh. Riêng Ðề án 29 xã, nguồn vốn phân bổ hàng năm rất ít nên rất khó để xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp năm 2017 là 640 triệu đồng và năm 2018 là 572 triệu đồng; vốn đầu tư chưa phân bổ. Với nguồn vốn được giao, UBND xã đã thực hiện hỗ trợ mô hình cây sa nhân cho 7 hộ với 8,4ha; mô hình trồng vải thiều cho 2 hộ với 1,2ha; mô hình trồng cam Vinh cho 9 hộ với 2,7ha và hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho 62 hộ với 31 con. Các mô hình đang trong giai đoạn kiến thiết nên chưa đánh giá hiệu quả. Hiện nay, hệ thống giao thông, trường học, thủy lợi và các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã còn rất khó khăn, chưa được đầu tư trong khi đó vốn đầu tư phát triển của đề án chưa được bố trí. Xã Chung Chải mong muốn UBND huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Ðiện Biên kiến nghị Trung ương sớm phân bổ vốn đầu tư để xã xây dựng hạ tầng cơ sở, triển khai Ðề án 29 xã hiệu quả hơn.

Cùng là xã biên giới, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) còn khó khăn hơn nhiều so với xã Chung Chải. Bởi vì đối với nguồn vốn đầu tư tất cả các chương trình, UBND huyện Nậm Pồ thực hiện đầu tư theo mô hình cuốn chiếu từ các xã trung tâm đến các xã vùng biên giới, vì thế xã Nà Bủng được thụ hưởng các nguồn vốn đầu tư thuộc hàng cuối cùng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của chương trình đặc thù là Ðề án 29 xã lại chưa được phân bổ. Ðến nay, xã Nà Bủng mới đạt 6/19 tiêu chí NTM.

Ông Cháng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng cho biết: Nhiều năm nay, xã chỉ được giao nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế. Tuy nhiên, các hình thức hỗ trợ trực tiếp hiện nay mang lại hiệu quả không cao. Ðiển hình là 70% số con giống thuộc chương trình hỗ trợ trâu, bò sinh sản giai đoạn 2014 - 2018 đã bị người dân bán để sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy, ngoài mong muốn Trung ương sớm giao nguồn vốn đầu tư thuộc Ðề án 29 xã, xã Nà Bủng kiến nghị chuyển đổi nguồn vốn sự nghiệp các chương trình để đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Ðường giao thông, nhà văn hóa, công trình thủy lợi…

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top