Ðể rừng Mường Nhé thêm xanh

08:30 - Thứ Hai, 22/07/2019 Lượt xem: 10502 In bài viết

ĐBP - Với quyết tâm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khai thác có hiệu quả lợi ích từ rừng, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, khơi gợi tinh thần đoàn kết để người dân thêm yêu, gắn bó, tích cực tham gia trồng rừng, giúp hồi sinh những cánh rừng.

Ông Giàng A Xìa, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm chia sẻ: Ðể làm tốt công tác trồng rừng, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến toàn thể nhân dân, triển khai ký cam kết bảo vệ rừng đến từng gia đình, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Năm 2018, xã đã bảo vệ tốt 5.574,33ha rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 2.903,42ha; rừng sản xuất 2.670,91ha…); trồng mới 6,23ha rừng kinh tế (keo tai tượng) đạt 4,8%; từ đó góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn xã lên 51,73% đưa Quảng Lâm trở thành xã điểm về công tác trồng và bảo vệ rừng. Nhờ chăm sóc và bảo vệ rừng tốt mà nhiều hộ dân đã được hưởng lợi ích từ rừng; vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiện diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện Mường Nhé là 125.797,3ha (39.830,27ha rừng phòng hộ, 38.739,03ha rừng sản xuất…). Diện tích có rừng của huyện Mường Nhé 74.056,99ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,19%. Xác định trồng và phát triển rừng góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, huyện Mường Nhé đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, chấp hành các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước về thực hiện trồng và bảo vệ rừng. Ðặc biệt, huyện đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực đầu tư, nhất là nhân dân tham gia trồng rừng.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 huyện Mường Nhé trồng mới 300ha rừng phòng hộ, 2.700ha rừng sản xuất trở lên (mỗi năm trồng bình quân 2.000ha), nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 51,5% trở lên; riêng năm 2019, huyện được UBND tỉnh giao trồng mới 507,7ha rừng, gồm: Rừng sản xuất 504ha; rừng phòng hộ 3,7ha. Ðể thực hiện tốt việc trồng và phát triển rừng, UBND huyện tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR), quản lý lâm sản. Ðến thời điểm này, 11/11 xã và các cơ quan chuyên môn đang tổ chức rà soát, đo đạc diện tích các hộ đăng ký trồng rừng năm 2019; chỉ đạo các hộ tổ chức phát dọn thực bì, chuẩn bị cuốc hố và mọi điều kiện cần thiết để tổ chức trồng rừng khi mùa mưa đến. Ðối với diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, huyện phân bổ, giao chỉ tiêu cho 9/11 xã với tổng diện tích 1.000ha.

Cùng với đó, huyện thực hiện nghiêm túc tiến độ giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư để tổ chức quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng (đã tổ chức giao đất có rừng cho 84 chủ rừng). Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch 3 loại rừng là: Rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng đã tạo điều kiện để huyện phân cấp quản lý và bảo vệ rừng chặt chẽ hơn. Huyện cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng và công tác khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, chỉ đạo nhân dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn thực hiện tốt việc cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng; đặc biệt, cây trồng thường xuyên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu giống cho đến xuất vườn nên hạn chế tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc. Ðối với rừng sản xuất, loại cây được đưa vào trồng chủ yếu là keo tai tượng; rừng phòng hộ ưu tiên trồng cây bản địa (vối thuốc, dổi, thông).

Ðặc biệt, nhận thức tầm quan trọng của công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tuần tra, giám sát địa bàn được phân công, thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời diện tích rừng và đất lâm nghiệp khi có sự biến động, thay đổi. 6 tháng đầu năm, huyện đã củng cố, kiện toàn 11 ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng với 353 thành viên; tuần tra rừng 368 lượt; phát hiện, xử lý 33 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Ðồng thời, khảo sát 496/2.291 điểm biến động tăng rừng, cập nhật được 17 điểm biến động tăng rừng với diện tích 67,99ha. Từ đó, góp phần hình thành dần các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; làm thay đổi cuộc sống cũng như nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top