Hiệu quả Dự án trồng nấm ở Ðiện Biên

09:07 - Thứ Tư, 24/07/2019 Lượt xem: 10656 In bài viết

ĐBP - Nấm ăn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, là nguồn dược liệu có công dụng phòng ngừa nhiều loại bệnh, tăng cường sức khỏe. Những năm gần đây, nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh thông qua các mô hình, dự án do nhiều đơn vị tổ chức. Một trong những mô hình thành công là Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm ăn tại một số huyện thị trong tỉnh”.

 

Người dân bản Xuân Món, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng)  sơ chế nguyên liệu, chuẩn bị đóng bịch sản xuất nấm rơm.

Dự án được triển khai dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến nấm làm thực phẩm hàng ngày, góp phần phát triển nghề trồng nấm ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, dự án tạo tiền đề cho một nghề sản xuất mới góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Ðối với công nghệ nuôi trồng, xử lý các loại nguyên liệu sẵn có tại vùng dự án, áp dụng một phần cơ giới hoá các công đoạn sản xuất nấm, tăng năng suất lao động, nâng cao sản lượng và chất lượng nấm thương phẩm. Công nghệ bảo quản và sơ chế nấm đáp ứng bảo quản nấm ở dạng tươi, thời gian kéo dài đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nghệ xử lý phế thải nấm làm phân hữu cơ đơn giản, dễ áp dụng cho các cơ sở nuôi, trồng nấm. Dự án được triển khai tại 6 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng và Tuần Giáo trong thời gian 2 năm (2017 - 2018), trồng các loại nấm: Nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi.

Những hộ dân tham gia dự án được Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi trồng các loại nấm; tổ chức đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình trồng nấm thành công, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Mỗi một mô hình điểm có thời gian triển khai từ 8 - 12 tháng tùy thuộc vào giống nấm người dân đăng ký nuôi trồng. Cụ thể: Nấm sò có thể trồng quanh năm nhưng thuận lợi nhất từ tháng 3 - 11 hằng năm; nấm rơm phát triển tốt trong khoảng tháng 4 - 10; nấm mộc nhĩ từ tháng 8 - 4 năm sau; nấm linh chi từ tháng 3 - 10.

Ông Phạm Ngọc Sáng, Chủ nhiệm Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm ăn tại một số huyện thị trong tỉnh” cho biết: 2 năm thực hiện dự án đã mở được 6 lớp tập huấn cho 90 hộ trong phạm vi dự án và 30 hộ ngoài phạm vi dự án. Trong đó, mô hình nấm rơm có 30 hộ tham gia; mô hình nấm sò: 48 hộ; mô hình nấm mộc nhĩ: 6 hộ; mô hình nấm linh chi: 6 hộ. Nhìn chung năng suất, sản lượng các loại nấm đều đạt và vượt kế hoạch từ 0,6% - 4,8%. Kết thúc dự án, các mô hình thí điểm được nhân rộng không chỉ tại các xã, bản thuộc 3 huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo và Ðiện Biên Ðông mà còn được nhân rộng ra một số địa bàn phường Tân Thanh, Thanh Bình, Him Lam, xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) và được Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... triển khai cho hội viên.

Chị Lò Thị Hương, bản Xuân Món, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) là một trong những người tham gia Dự án trồng nấm, cho biết: Ðược tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình trồng nấm ở huyện Ðiện Biên, tôi nhận thấy kỹ thuật nuôi trồng nấm rơm không khó. Chỉ cần khu vực trồng nấm được che chắn cẩn thận, thoáng mát, sau 1 tháng là có nấm thu hoạch. Ðến mùa thu hoạch lúa, tôi tận dụng rơm, rạ và tiến hành các quy trình kỹ thuật được học để trồng nấm. Sau lần thu hoạch đầu tiên, các bịch nấm bắt đầu cho thu hoạch rộ, liên tiếp, không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn dư để bán, tăng thu nhập. Ðây là mô hình phát triển kinh tế phù hợp với quy mô hộ gia đình nên sau khi thu hoạch lúa vụ mùa năm 2019, tôi sẽ tích trữ nhiều rơm, rạ hơn làm nguyên liệu trồng nấm trong thời gian tới. 

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top