Công trình Thủy lợi Huổi Chỏn

Hàng chục hecta rừng bị phá oan

09:17 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 12098 In bài viết

ĐBP - Mọi việc bắt đầu từ Quyết định số 1502/QÐ-UBND ngày 19/8/2010 của UBND huyện Mường Ảng, về việc phê duyệt Báo cáo kinh - kỹ thuật xây dựng công trình Thủy lợi Huổi Chỏn, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng. Với nguồn vốn ban đầu gần 7 tỷ đồng, công trình Thủy lợi Huổi Chỏn do UBND huyện Mường Ảng làm chủ đầu tư, cung cấp nước tưới cho 30ha lúa vụ mùa và khoảng 10ha lúa vụ chiêm.

 

Ông Hờ A Páo, Trưởng bản Huổi Chỏn cố gắng kéo bụi rậm để tìm đầu mối cấp nước của Thủy lợi Huổi Chỏn.

Thủy lợi Huổi Chỏn hoàn thành được bàn giao cho bản vào năm 2012. Ðể xây dựng công trình này, theo dự án, gần 20ha rừng tái sinh của bản Huổi Chỏn bị phá để chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi công trình hoàn thành, cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn huyện tự nguyện vào khu đất khai hoang nhổ gốc cây to, tạo mặt bằng sản xuất giúp bà con. Và việc có thêm từng ấy diện tích ruộng nước, nhất định nhân dân Huổi Chỏn sẽ có cuộc sống tốt hơn, công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương sẽ nhanh về đích hơn. Ðích thân ông Bùi Văn Mùi (Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở thời điểm đó) xuống tận bản giải thích, tuyên truyền về sự cần thiết phải làm thủ tục chuyển đổi rừng Huổi Chỏn để lấy đất khai hoang ruộng bậc thang. Tin lời cán bộ, lúc ấy nhiều người dân trong bản Huổi Chỏn mới nhận thức được rằng, muốn có thủy lợi thì phải hi sinh rừng và đó là sự hi sinh cần thiết vì sự no ấm ngày mai...

Ðể rồi hôm nay, sau 9 năm có lẻ, chúng tôi trở lại Huổi Chỏn mà không khỏi thất vọng khi gần 20ha rừng tái sinh ngày trước chả thấy bóng dáng cây lúa nào ngoài một công trình thủy lợi hoang hóa và nứt nẻ. Ông Hờ A Páo, Trưởng bản Huổi Chỏn (người từng ký tên vào đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày 12/3/2011, cũng với tư cách Trưởng bản Huổi Chỏn), cho biết: Ngày ấy, sau khi phá xong rừng, cán bộ huyện đến đo đạc và phân chia đất cho từng hộ, diện tích nhiều hay ít phụ thuộc vào nhân khẩu của từng hộ. Tuy nhiên, chỉ 3 hộ có diện tích đất trên đầu kênh là có nước để cấy. Song cả 3 hộ này cũng chỉ cấy được 1 vụ đầu tiên khi thủy lợi bàn giao; nước cũng không đảm bảo, lúc có lúc không, còn lại không nhà ai cấy được do không có nước dẫn về. Vì thế cả bản đành chuyển sang trồng sắn. Tuy nhiên, trồng sắn cũng không hiệu quả vì đất bạc màu, đến nay chỉ còn vài hộ trồng sắn cầm cự, còn lại hầu hết diện tích bỏ hoang. Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao ký tên vào đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Hờ A Páo cho biết: “Chủ tịch UBND xã (ông Bùi Văn Mùi) chuẩn bị cho buổi họp dân rất chu đáo. Khi dân bản thông chủ trương thì Chủ tịch UBND xã đưa văn bản và bảo tôi ký. Chủ tịch nói là phải làm đúng quy trình đầu tư, từ bản đề nghị lên cấp trên thì mới được, nên tôi làm theo”.

Ðứng giữa khu rừng hoang mang tên “Thủy lợi Huổi Chỏn”, Trưởng bản Hờ A Páo cho biết thêm: Là người sinh ra và lớn lên ở đây nên chúng tôi nắm rất chắc thực tế nguồn nước của suối Huổi Chỏn (cách gần 4km). Vì thế, khi cán bộ vào khảo sát để làm thủy lợi, chúng tôi cũng có ý kiến là đầu nguồn nước yếu nên sợ rằng nước không đủ dẫn về đến đây, nhưng cán bộ nói họ làm chuyên môn, có con mắt kỹ thuật... Nghe cán bộ giải thích thế dân bản phần nào yên tâm, hi vọng sau khi thủy lợi hoàn thành thì khu rừng ngày nào sẽ là một vựa lúa, người dân có cuộc sống sung túc, no đủ. Thế nhưng có ai ngờ, công trình thủy lợi được đầu tư gần 7 tỷ đồng chỉ để trồng sắn thì theo chúng tôi là không cần thiết; trong khi đó, rừng Huổi Chỏn khi ấy nhiều cây to có đường kính 30 - 40cm đã bị đốn hạ. Ðể bây giờ không có nước gieo cấy (kể cả vụ mùa), thủy lợi bằng bê tông cốt thép nằm trơ trọi trên sườn đồi, xung quanh cỏ dại mọc đầy. Một thực tế rất buồn là trước đây bản Huổi Chỏn có 48 hộ nghèo, khi có thủy lợi tưởng cuộc sống người dân tốt hơn, nhưng không ngờ số hộ nghèo lại tăng lên thành 50 hộ. Và đến nay, sau 8 năm kể từ thời điểm bàn giao công trình Thủy lợi Huổi Chỏn rừng vẫn chưa thể thành ruộng.

Từ nơi gọi là “công trình Thủy lợi Huổi Chỏn”, chúng tôi trở về trụ sở UBND Ẳng Tở và làm việc với ông Lường Văn Thoạn cho biết: “Công trình không đảm bảo nước tưới cho khu vực khai hoang, hiệu quả thấp; người dân chủ yếu là cấy vụ mùa. Từ năm 2017 - 2018 thì không làm nữa, người dân chỉ cấy được năm 2013 - 2015 thôi và diện tích chỉ được gần 3.000m2, chứ không phải mấy chục hecta như dự án nói”. Khi chúng tôi nêu câu hỏi: Liệu xã có giải pháp nào để giúp người dân canh tác trên diện tích đất chuyển đổi từ rừng sang ruộng, trong khi công trình Thủy lợi Huổi Chỏn không phát huy hiệu quả? Ông Lường Văn Thoạn cho biết, với khả năng của xã thì rất khó, trước mắt là tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con trồng sắn để tránh lãng phí đất.

Căn cứ nguồn tài liệu còn lưu giữ tại Ban Quản lý Dự án huyện Mường Ảng, được biết công trình Thủy lợi Huổi Chỏn có tổng vốn đầu tư 6,674 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình 30a/CP do UBND huyện Mường Ảng làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án huyện. Công trình gồm các hạng mục: Ðập đầu mối, kênh dẫn, bể xả; đảm bảo năng lực tưới cho 30ha lúa vụ mùa và 10ha lúa vụ chiêm. Doanh nghiệp Tư nhân Hồng Anh - Việt Ánh là đơn vị trúng thầu, công trình khởi công từ cuối năm 2010 và hoàn thành vào cuối năm 2011. Theo chức năng được phân công, tháng 11/2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng tiến hành chia đất cho hơn 300 nhân khẩu ở bản Huổi Chỏn, với tổng diện tích gần 10ha. Ðể khai hoang gần 10ha ruộng nước, người ta đã phá tới 19,2ha rừng thuộc nhóm giữa 1c và 2a. Theo ý tưởng của cơ quan chuyên môn, trước mắt những vụ đầu sẽ trồng đậu tương và ngô, sau đó một vài vụ thì người dân có thể đưa diện tích này vào trồng lúa nước. Tuy nhiên, đến nay trải qua ngót 10 năm dự án hoàn thành, rừng vẫn chưa thể thành ruộng!

 
Hơn ai hết, bản thân các cơ quan chuyên môn ở Mường Ảng biết rõ năng lực tưới tiêu khi công trình Thủy lợi Huổi Chỏn hoàn thành. Một “dự án vẽ” khiến hàng chục hecta rừng bị đốn hạ nhưng đó chưa phải là hậu quả lớn nhất. Ðáng buồn hơn là người dân nghèo Huổi Chỏn tin rằng bát cơm của mình sẽ đầy lên khi dự án hoàn thành, nhưng không ngờ rừng thì mất, đất không thể gieo trồng bên cạnh công trình thủy lợi hoang hóa, khô cạn.
Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top