Nhịp sống mới trên hồ thủy điện Trung Thu

09:48 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 10183 In bài viết

ĐBP - Như một thói quen, mỗi dịp về xã Pa Ham (huyện Mường Chà), chúng tôi lại đến lòng hồ thủy điện Trung Thu để được chiêm ngưỡng cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Giữa mênh mông sóng nước, người dân chèo thuyền đánh bắt cá, cuốn theo đó là những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn nhưng cũng đầy thi vị...

 

Người dân xã Pa Ham đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Trung Thu.

Chúng tôi đến hồ thủy điện khi chiều đã buông. Trên mặt hồ, vài chiếc thuyền đang tiến vào bờ sau khi đi thả lưới. Ðã hẹn gặp từ trước, nên vừa nhìn thấy chúng tôi, anh Lò Văn Luyện - một trong những người đầu tiên làm nghề đánh bắt cá sau khi lòng hồ thủy điện Trung Thu tích nước, vừa ra hiệu cho chúng tôi đứng chờ, vừa tăng tốc chiếc thuyền. Thuyền vừa cập bờ, anh Luyện đã nói ngay: Các em đến muộn quá, nếu không đã được đi thả rọ bát quái và thả lưới cùng anh rồi. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi nghe cụm từ “rọ bát quái”, anh Luyện cười: “Người dân nơi đây có 2 hình thức đánh bắt chính là thả lưới qua đêm để bắt cá to và thả rọ bát quái để bắt tôm là chủ yếu”. Ðể chúng tôi hiểu rõ hơn, anh Luyện lấy một chiếc rọ bát quái rồi giải thích tỉ mỉ về cấu tạo và công năng. Ðó là một dạng lưới lồng được cải tiến, đan bằng lưới mắt thưa khoảng 1cm, được căng ngăn bởi những khung sắt vuông hoặc tròn rộng cỡ 30cm, mỗi rọ dài khoảng 5m và cứ khoảng 40cm có một ngăn để dễ gấp gọn, tạo thành nhiều khoang nhưng thông nhau, mỗi ngăn có cửa chéo để cho tôm chui vào mà không thể chui ra. Mỗi ngăn, trước khi thả phải cho mồi chủ yếu là ốc bươu vàng được đập dập hoặc chặt nhỏ, nướng vàng, tỏa mùi thơm để dụ tôm vào. Chính vì sự kín kẽ, kết cấu phức tạp như vậy nên người dân gọi là “bát quái”. Hàng ngày, vào cuối chiều, người dân sẽ đi thả rọ bát quái và thả lưới rồi sáng sớm hôm sau quay lại thu hoạch.

Cuộc mưu sinh trên lòng hồ của người dân nơi đây bắt đầu từ năm 2016 khi Nhà máy Thủy điện Trung Thu chính thức đóng đập dâng nước. Xã Pa Ham có gần 70ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó gần 30ha là ruộng lúa nước còn lại là diện tích nương), chủ yếu của người dân 2 bản Mường Anh 1, 2 bị ngập nước. Mặc dù được nhận một khoản tiền đền bù và được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm nhưng đất sản xuất thiếu nên dân bản vẫn phải tìm sinh kế. Lòng hồ thủy điện Trung Thu với dung tích 30,7 triệu mét khối đã mở ra cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho bà con nơi đây. Hàng chục hộ nông dân chuyển thành “ngư dân” mưu sinh trên mặt nước hồ thủy điện. Ðến nay, xã Pa Ham có gần 30 hộ dân làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ. Mỗi hộ đầu tư một thuyền máy từ 15 - 16 triệu đồng.

Tiếc nuối vì không kịp đi thả rọ bát quái với thả lưới, chúng tôi quyết tâm dậy sớm vào sáng hôm sau để trải nghiệm việc thu hoạch tôm, cá cùng người dân. Trời chưa sáng rõ mặt người, chúng tôi đã theo anh Luyện cùng nhiều người dân khác trở lại hồ. Khu vực thả rọ, thả lưới của mỗi người đã được “quy hoạch” (bất thành văn) nên không ai nhầm với ai. Ðáp lại sự háo hức mong chờ của chúng tôi, anh Luyện kéo lên rọ đầu tiên, những chú tôm nhảy lạo xạo, lấp lánh dưới ánh bình minh. Sau một hồi hăng say, háo hức thu hoạch, thành quả của chúng tôi là 3kg tôm tươi rói.

Thuyền cập bờ khi mặt trời lên cao cũng là lúc những “ngư dân” bán chuyên kết thúc một buổi làm việc từ tờ mờ sáng. May mắn hơn anh Luyện, mẻ lưới của ông Lường Văn Yên, bản Mường Anh 2 ngoài bắt được các loại cá nhỏ như: chép, rô phi, trong lưới còn mắc một con cá măng nặng gần 5kg. Theo lời ông Yên thì hôm nay ông “trúng quả”. Hồ có nhiều loài cá, như: chép, trắm, rô phi, măng… Bình quân cá nhỏ khoảng 70.000 đồng/kg; cá to dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg; tôm nhỏ khoảng 80.000 đồng/kg; tôm to 120.000 đồng/kg. Con cá măng kéo được hôm nay, theo nhận định của người dân, giá trị ít nhất cũng được trên 400.000 đồng. Ông Yên kể: Nghề đánh bắt thủy sản này, hôm được hôm không là chuyện thường tình. Người bắt được ít thì để bán tại xã phục vụ người dân ở các bản xung quanh hoặc làm thực phẩm cho gia đình. Người nào thu hoạch được nhiều, nhất là cá to từ 4 - 5kg trở lên thì mang ra thị xã Mường Lay bán cho thương lái.

 
Chúng tôi rời Pa Ham khi nắng chiều lóng lánh trên mặt hồ. Mùa này, hồ thủy điện Trung Thu nước dâng mênh mang. Nhìn những ngư dân đang chuẩn bị lưới, rọ cho một buổi đánh bắt mới, chúng tôi thầm mong họ sẽ có những mẻ lưới đầy tôm, cá vào bình minh!
Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top