Tăng cường xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh

08:25 - Thứ Tư, 31/07/2019 Lượt xem: 10944 In bài viết
ĐBP - Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay mặc dù không lớn nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực: vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, nhãn mác hàng hóa, môi trường… Ðặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài giả mạo xuất xứ, nhãn mác Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp trong nước và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức, lợi dụng đường sá hiểm trở, nhiều đường mòn, các ngày nghỉ, lễ để vận chuyển, tiêu thụ gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 1, TP. Ðiện Biên Phủ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ông Lò Ngọc Minh, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên cho biết: Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, Cục đã quán triệt đến các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo các cấp về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ðồng thời, ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Chỉ đạo các đội quản lý thị trường căn cứ nhiệm vụ được phân công, bám sát nội dung kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề đã ban hành, tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào một số nội dung: Xác minh, phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm mặt hàng thuốc có dấu hiệu giả mạo và không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu; kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra phòng chống các hành vi gian lận trong đo lường xăng dầu, hóa đơn chứng từ kèm theo hàng hóa. Tăng cường kiểm tra các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng: Rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh, may mặc… Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra 924 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 289 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 289 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Hàng cấm 1 vụ; hàng giả 2 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm 84 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 108 vụ; vi phạm trong kinh doanh 13 vụ; vi phạm khác 81 vụ. Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 40,98 triệu đồng; vận động thương nhân tự tiêu hủy hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 83 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Cục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra gắn với tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vận động nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường đã tuyên truyền trực tiếp đến hơn 900 thương nhân. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Với vai trò là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm gần 1.700 lượt; phát hiện, bắt giữ và xử lý 677 vụ với 712 đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó, thanh tra, kiểm tra hành chính 1.580 lượt, xử phạt vi phạm hành chính 564 vụ, nộp ngân sách Nhà nước hơn 4,4 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top