Ðẩy mạnh xúc tiến, quảng bá nâng cao giá trị nông sản địa phương

08:51 - Thứ Tư, 31/07/2019 Lượt xem: 9519 In bài viết
ĐBP - Với vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển, sản xuất sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ðể nâng cao hơn nữa giá trị nông sản, cùng với xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất sản phẩm sạch, thời gian qua các cấp, ngành chuyên môn đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Cách TP. Ðiện Biên Phủ hơn 120km, huyện Tủa Chùa có độ cao 1.400m so với mực nước biển. Nơi đây nổi tiếng với nhiều loại đặc sản như: gà xương đen, dê núi đá, cá sông Ðà, cánh kiến, chè Shan tuyết cổ thụ. Nhiều cây chè phải 2 - 3 người ôm mới xuể, thân gốc xù xì, tán cây bồng bềnh được xem như “vàng xanh” của núi rừng Tủa Chùa. Với khoảng 10.000 cây chè cổ thụ trên 100 năm tuổi, bao năm qua chống chọi lại mọi khắc nghiệt của thời tiết và các loại sâu bệnh; điều đặc biệt là cây chè ở đây sinh trưởng tự nhiên, không cần chăm bón vẫn xanh tốt.

Nếu như Tủa Chùa có cây chè cổ thụ thì huyện Mường Ảng lại nổi tiếng với hơn 3.000ha cà phê arabica (cà phê chè). Giống cà phê này không phải vùng nào cũng trồng được. Ở khu vực Tây Bắc, chỉ có Ðiện Biên, Sơn La là cà phê arabica phát triển tốt; còn trên cả nước cũng chỉ có tỉnh Lâm Ðồng và khu vực Khe Sanh (Quảng Trị) trồng được song rất ít; thậm chí vùng đất nổi tiếng về cà phê là Tây Nguyên cũng không trồng được giống cà phê này.

Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến cánh đồng Mường Thanh được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước trong lành, đất đai màu mỡ đã kết tinh nên hạt gạo dẻo thơm, hương vị đậm đà. Gạo Ðiện Biên nổi tiếng với gạo tám thơm hạt nhỏ, đều, căng bóng, cơm dẻo và đậm vị, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Chè, cà phê, gạo Ðiện Biên là những đặc sản có chất lượng tốt. Tuy nhiên việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đối với những đặc sản này còn hạn chế. Do đó, ngoài khâu sản xuất cần chú trọng hơn vào việc giới thiệu đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Là 1 trong 8 tỉnh miền núi phía Bắc trong chương trình kết nối phát triển du lịch, Ðiện Biên và các tỉnh còn lại đã cam kết phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của 8 tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến tiêu thụ nông sản.

So với nhiều địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc, kinh tế - xã hội tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, sản xuất manh mún, chưa có những sản phẩm mang thương hiệu khu vực hoặc quốc gia. Dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông sản đặc sản phong phú nhưng dường như Ðiện Biên vẫn chưa có nhiều bứt phá. Ðể đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, thời gian qua các cấp, ngành chuyên môn đã chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khơi nguồn tiềm năng. Việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại đã giúp nhiều loại nông sản của tỉnh được giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từ đó tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ Thương mại Quốc tế vùng Tây Bắc - Ðiện Biên năm 2019 được tổ chức vào cuối tháng 3 là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có quy mô cấp khu vực và quốc tế. Tại hội chợ, nhiều nông sản đặc sản của tỉnh như: Lúa gạo (huyện Ðiện Biên); cà phê (huyện Mường Ảng); chè Shan tuyết (huyện Tủa Chùa)… được giới thiệu với không chỉ các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong khu vực và các tỉnh thành khác trong nước mà còn được giới thiệu với các tỉnh: Bắc Lào, Bắc Thái Lan và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Năm 2019, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh được tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh trong khu vực. Ðiều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, liên kết với các đối tác để thiết lập đại lý, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, ngoài các nông sản đặc sản thì hoạt động quảng bá, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm được sản xuất, chế biến tại địa phương cũng được đẩy mạnh như: Miến dong, bún khô, rượu men lá, mật ong rừng, nấm sò, lạp sườn và thịt gác bếp, táo mèo, khoai sọ, bí đao… qua đó từng bước xác lập thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; in tờ rơi tuyên truyền, phát hành tại các hội chợ, triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh, thành.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top