Góc nhìn nhà báo

Loay hoay “đầu ra” cho nông sản!

08:59 - Thứ Năm, 01/08/2019 Lượt xem: 9739 In bài viết
ĐBP - Với tỉnh có hơn 80% dân số làm nghề và sống bằng nghề nông nghiệp như Ðiện Biên hiện nay, thì “đầu ra” cho nông sản đóng vai trò quan trọng quyết định đời sống của nông dân. Tuy nhiên, chuyện tư thương o ép, nông sản ế thừa, “được mùa mất giá”, thậm chí mất mùa mất giá vẫn diễn ra, khiến người nông dân chịu nhiều thua thiệt.

Nông sản Ðiện Biên dù được đánh giá là đa dạng, phong phú, nhưng trên thực tế chưa chiếm lĩnh được thị trường và tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm vì nhiều nguyên nhân. Ðơn cử, với sản phẩm dứa Mường Chà, diện tích trồng mỗi năm hàng trăm héc ta và đặc biệt là dứa tại một số hợp tác xã trên địa bàn đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn, nhưng bài toán “đầu ra” cho quả dứa là chuyện không đơn giản, với người trồng dứa và ngay cả chính quyền địa phương. Dứa trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, một bộ phận nông dân đổ xô trồng và rồi khi chưa có “kênh” bán hàng chuyên nghiệp, ổn định dứa chỉ dùng làm món tráng miệng. Người trồng dứa Mường Chà tìm cách tiêu thụ nhỏ lẻ qua bán ven đường, chợ cóc còn tư thương mua đổ thì giá chỉ 40 - 50% giá bán lẻ mà nhiều khi họ vẫn chẳng mặn mà…

Tại cuộc họp bàn về liên kết sản xuất nông nghiệp mới đây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thu hút rất nhiều thành phần, quan khách; lãnh đạo huyện Mường Chà ngậm ngùi chia sẻ: Dứa được xác định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, làm thay đổi đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn. Nhưng với diện tích trồng mỗi năm hàng trăm héc ta như hiện nay khiến “đầu ra” khó khăn, kéo theo giá trị cây trồng này không còn ở đỉnh cao như trước. Tháo gỡ đầu ra, huyện đặt vấn đề mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng không dễ, bởi một số nhà đầu tư cho rằng từng ấy diện tích trồng mỗi năm chưa thể đủ để đầu tư nhà máy chế biến; trong khi phía người dân thì khó mở rộng diện tích trồng, bởi diện tích trồng như vậy đã khó tiêu thụ, khi tăng diện tích cũng không chắc chắn doanh nghiệp sẽ bao tiêu? Lo lắng đó của người trồng dứa không phải không có cơ sở khi câu chuyện liên kết trồng cà phê, ớt, gừng… thất bại là bài học nhãn tiền!

Nhìn rộng ra ở khu vực Tây Bắc điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, cận kề là tỉnh Sơn La mỗi năm xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn nông sản (xoài, nhãn, sơn tra, thanh long, chanh leo…) sang Mỹ, Úc, Trung Quốc… giá trị xuất khẩu nông sản đạt hàng trăm triệu USD, thì câu chuyện “đầu ra” cho nông sản Ðiện Biên càng phải được quan tâm và có giải pháp đồng bộ hơn. Cùng với việc thay đổi tư duy kiểu bán những gì mình có sang bán những thứ thị trường cần; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện các chuỗi sản xuất nông sản bền vững; phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết hình thành các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản an toàn; thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã đầu tư phát triển các nhà máy chế biến nông sản… là giải pháp an toàn, bền vững giúp nông sản Ðiện Biên tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top