Khai thác cát trái phép: Quản lý chưa hiệu quả

08:48 - Thứ Sáu, 02/08/2019 Lượt xem: 13559 In bài viết
ĐBP - Ðến tháng 7/2019, UBND tỉnh đã cấp 8 giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 8 điểm mỏ, tổng trữ lượng cát làm vật liệu xây dựng được phê duyệt 383.389m3; đồng thời có 7 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, 6 điểm mỏ nằm trên địa bàn các xã: Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót, Thanh Yên và Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) và 1 điểm mỏ nằm trên địa bàn xã Mường Tùng (huyện Mường Chà). Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé.

 

Một điểm khai thác cát trái phép ở đội 17, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) bị cơ quan chức năng phát hiện trong năm 2018.

Những năm qua, ngoài một số doanh nghiệp, tổ chức được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện Ðiện Biên thì nhiều đối tượng vẫn khai thác cát bất hợp pháp trên sông Nậm Rốm đoạn chảy qua địa bàn các xã: Thanh An, Noong Luống, Noong Hẹt, Pom Lót và các sông, suối trên địa bàn xã Mường Phăng, Nà Nhạn. Tương tự, trên một số sông, suối chảy qua địa bàn xã: Búng Lao, Xuân Lao, Mường Lạn và Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) và dọc hai bên suối Nậm Sát, Nậm Hua đoạn chảy qua địa bàn các xã Nà Sáy, Chiềng Sinh, Mường Thín (huyện Tuần Giáo) cũng xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Thậm chí, một số điểm nằm ngay cạnh đường vào trung tâm các xã. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Tuần Giáo chưa có điểm nào được cấp giấy phép khai thác cát.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khai thác cát trái phép là do nhu cầu cho xây dựng cao. Trung bình mỗi khối cát được bán tại bãi có giá dao động từ 100 - 130 nghìn đồng (tùy từng loại cát) đối tượng khai thác trốn nộp tiền cấp quyền khai thác và các khoản phí, thuế, ký quỹ môi trường. Trong khi để được cấp phép khai thác thì quy trình, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác cát rất phức tạp và mất thời gian.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Căn cứ Khoản 1, Ðiều 59, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm 8 văn bản, giấy tờ như: Ðơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...; trình tự cấp giấy phép gồm nhiều bước nên để cấp được giấy phép khai thác cát thì phải mất nhiều thời gian. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng không xin cấp giấy phép mà khai thác cát trái phép.

Một điều đáng nói là, trong khi hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra công khai thì chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm công tác quản lý, ngăn chặn. Ðiển hình như cuối năm 2018, trên con suối chảy qua địa bàn xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép nhưng chính quyền xã “không biết”? Trong khi điểm khai thác cát này nằm cạnh quốc lộ 279 và cách UBND xã Nà Nhạn không xa, phải đến khi người dân phản ánh thì chính quyền xã mới nắm được.

Qua thống kê, từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã kiểm tra, phát hiện 38 trường hợp khai thác cát trái phép; 1 đơn vị không thực hiện cắm mốc khu vực khai thác; đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 276,6 triệu đồng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng, ngày 10/4/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 08/2017/QÐ-UBND về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp xã đến cấp huyện, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với chủ tịch UBND cấp xã và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ; nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản thành điểm nóng, tập trung đông người, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự xã hội, bức xúc trong nhân dân thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm... Song thực tế từ trước đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt nhiều hộ dân vi phạm khai thác khoáng sản trái phép nhưng chưa có trường hợp cán bộ cấp nào bị kiểm điểm, kỷ luật vì để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top