Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

09:00 - Thứ Sáu, 02/08/2019 Lượt xem: 12827 In bài viết
ĐBP - Hiện nay thời tiết ngày nắng nóng, mưa nhiều về tối và đêm, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại; nhất là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn.

 

Nông dân xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) phun thuốc phòng sâu bệnh hại lúa mùa năm 2019.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 15.723ha lúa. Thời điểm này, lúa trà sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh; trà chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm này thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát sinh. Hiện nay, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại với mật độ phổ biến 1 - 4 con/m2, nơi cao 10 con/m2; sâu keo xuất hiện và gây hại tập trung trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên với mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, khô vằn gây hại rải rác trên trà sớm và chính vụ. Ngoài ra, các đối tượng như: Chuột, rầy, sâu cắn gié, ruồi đục nõn, tuyến trùng rễ, bệnh đốm nâu, nghẹt rễ, thối bẹ, bạc lá vi khuẩn… gây hại nhẹ.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Lúa vụ mùa đang trong thời kỳ mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại. Chi cục đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, phường, thị trấn và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với trạm bảo vệ thực vật thông báo, hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và nắm chắc diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng, chống đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp thủ công như: ngắt ổ trứng, cắt dảnh héo do sâu đục thân, vợt sâu cuốn lá trưởng thành, sâu đục thân trên đồng ruộng; phun thuốc đặc hiệu phòng trừ sâu bệnh gây hại khi đến ngưỡng theo thông báo và hướng dẫn của trạm bảo vệ thực vật. Ðối với trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục điều tra bổ sung hiện trạng sâu bệnh, xác định địa bàn, diện tích và mức độ gây hại của từng đối tượng sâu bệnh; ra thông báo cao điểm phòng trừ kịp thời; chủ động tham mưu UBND cùng cấp tổ chức triển khai cao điểm phòng, chống sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2019.

Vụ mùa năm 2019, huyện Ðiện Biên gieo cấy 6.378,8ha lúa. Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại lúa trên địa bàn đang diễn biến khá phức tạp, điển hình là bệnh đạo ôn lá với trên 120,3ha lúa bị nhiễm. Ông Nguyễn Minh Tuân, Trạm phó Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên cho biết: Tính đến ngày 23/7, tổng diện tích lúa nhiễm sâu bệnh trên địa bàn huyện là 311,4ha; 2,5ha nhiễm nặng; diện tích phòng trừ 430ha. Sinh vật gây hại chủ yếu là tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, khô vằn, chuột... Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư và UBND các xã hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ các loại sinh vật gây hại lúa mùa đã đạt ngưỡng; không lạm dụng thuốc khi sâu, bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ hoặc kết hợp nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh trong một bình thuốc... Thời gian tới, dự báo bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại tăng trên trà sớm và chính vụ, hại nặng trên những chân ruộng bón thừa đạm, khu vực tiền dịch, giống nhiễm (séng cù, Bắc thơm số 7...); bệnh khô vằn, bạc lá phạm vi gây hại tiếp tục tăng, tập trung trên các chân ruộng bón nhiều đạm, vùng ngập lụt, tiền dịch, phòng trừ chưa hiệu quả... Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sâu bệnh để hướng dẫn người dân phòng trừ hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Vui, thôn 1, xã Pom Lót cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy gần 4.000m2 lúa, chủ yếu là 2 loại giống: Bắc thơm số 7 và séng cù. Khoảng 1 - 2 tuần trở lại đây, trên lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá. Ðây là loại bệnh nguy hiểm, nếu không phòng trừ sớm sẽ gây ra bệnh đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa mùa. Tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ, đồng thời thực hiện quy trình chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.

Tại huyện Tủa Chùa, ốc bươu vàng đang gây hại diện rộng trên các cánh đồng: Mường Báng, Tả Phìn và Mường Ðun. Diện tích gây hại khoảng 42ha. Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân cách diệt trừ, hạn chế thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra; khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp thủ công, sinh học diệt trừ ốc là những giải pháp hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top