Ðể người dân tích cực tham gia trồng rừng

08:27 - Thứ Hai, 05/08/2019 Lượt xem: 11338 In bài viết

ĐBP - Bản Nà Nhạn 3 là một trong những cộng đồng dân cư của xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) tham gia trồng rừng năm 2018. Ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Nà Nhạn 3 cho biết: Năm 2018, bản có 4 hộ đăng ký trồng rừng phòng hộ, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng năm thứ nhất với hơn 2,6ha. Tuy nhiên, do kỹ thuật và biện pháp chăm sóc, bảo vệ còn nhiều hạn chế, sau khi nghiệm thu chỉ còn 6.000m2 với tỉ lệ cây sống trên 65%. Năm nay người dân đã trồng giặm một số cây xoan vào vị trí những cây bị chết. Riêng gia đình tôi đã mua 300 cây giống và thuê nhân công trồng giặm vào diện tích còn trống. Theo tuyên truyền của cán bộ huyện, xã thì tham gia trồng rừng chúng tôi được hỗ trợ 60 triệu đồng trong 4 năm đối với 1ha rừng đạt tiêu chuẩn.

 

Ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Nà Nhạn 3, xã Nà Nhạn kiểm tra chu kỳ phát triển của cây thông trên diện tích rừng trồng.

Mặc dù đến nay tiền hỗ trợ trồng rừng năm 2018 chưa được nhận nhưng gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng thêm rừng, không để đất trống.

Gia đình ông Lò Văn Chựa chỉ là một trong số ít hộ dân có ý thức trồng rừng mới bởi các cấp, ngành chức năng chưa giải ngân kinh phí hỗ trợ nên nhiều hộ dân không muốn trồng rừng. Ðược biết, vụ trồng rừng năm 2018, huyện Ðiện Biên được tỉnh giao chỉ tiêu 50ha, nhưng chỉ thực hiện được 28ha và đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí hỗ trợ. Năm 2019, huyện tiếp tục được giao trồng mới 10ha rừng song cũng chưa triển khai được do không có kinh phí. Chưa có kinh phí hỗ trợ cho người trồng rừng năm 2018, nên năm nay công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

Một thực trạng nữa là hiện nay trên địa bàn huyện Ðiện Biên có một số diện tích gỗ đến tuổi khai thác, đã và đang được người dân khai thác song việc tiêu thụ khó khăn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, từ đầu năm đến nay, trữ lượng khai thác gỗ trồng phân tán (chủ yếu cây keo) là 106,97m3. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ lẻ, không tập trung, phương pháp khai thác chủ yếu thủ công; quãng đường vận chuyển dài nên giá thành thấp, khoảng 300.000 - 350.000 đồng/m3. Ðầu ra cho sản phẩm bấp bênh cũng là lý do người dân chưa mặn mà trồng rừng.

Việc duy trì trồng rừng và phát triển rừng trồng không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường, chống xói mòn và biến đổi khí hậu, mang lại thu nhập từ gỗ mà người dân còn có thể kết hợp nhiều loại cây trồng khác dưới tán rừng trồng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Song, để phát huy được những lợi ích đó, các cấp, ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng tập trung, nhằm tạo vùng nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa, đảm bảo đầu ra ổn định. Ðồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng các mô hình trồng cây đặc sản dưới tán rừng, mô hình nông - lâm kết hợp, nâng cao sinh kế cho chủ rừng. Khi cuộc sống được cải thiện nhờ phát triển kinh tế rừng, người dân sẽ gắn bó với rừng, tích cực trồng và chăm sóc bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top