Tăng cường liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp

08:37 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 12186 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 3 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020; gần 1 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, hoạt động liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã từng bước được hình thành. Từ đó, tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiện đại.

 

Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên thăm mô hình quản lý dịch hại tổng hợp và xử lý lúa lẫn bằng biện pháp cấy sử dụng máy cấy không động cơ. Ảnh: Mai Phương

Một trong những định hướng quan trọng hàng đầu của Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh ta là xây dựng chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh; xây dựng mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Nếu thiếu sự liên kết này, nông sản của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Thời gian qua, đã hình thành liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ một số nông sản như: Lúa gạo, chè Shan tuyết, cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn quả… Ðặc biệt, một số tập đoàn lớn như: TH, FLC đang quan tâm khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trồng mắc ca gắn với chế biến và nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là với lúa gạo hiện nay đã có 2 dự án cánh đồng lớn tại 2 xã: Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) do 2 hợp tác xã liên kết sản xuất với người dân trên quy mô 92ha, giá trị 1ha lúa đạt 8,5 triệu đồng. Sản phẩm lúa gạo của dự án đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) giúp kiểm soát được sản phẩm chính hãng, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Ðiện Biên. Cùng với lúa gạo, hiện nay chè Shan tuyết đã có 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hường Linh và Công ty TNHH Trà Phan Nhất liên kết sản xuất và chế biến. 2 chuỗi sản xuất chè đã được xác nhận là chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đang hoàn tất thủ tục xác nhận vùng chè cổ thụ hữu cơ. Còn đối với cây cà phê, tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng cà phê theo tiêu chuẩn an toàn của Công ty TNHH Cà phê Ðại Bách và đã phát triển vùng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mường Ảng đã phát triển một số cơ sở sản xuất chế biến cà phê theo phương pháp ướt và có 4 cơ sở chế biến cà phê rang xay công suất đạt khoảng 80 tấn sản phẩm/năm…

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Không chỉ với nông sản, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây thảo quả, sa nhân và táo mèo (huyện Tuần Giáo); nuôi thả cánh kiến đỏ ở xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà)... hiệu quả kinh tế đạt từ 60 - 130 triệu đồng/ha/năm. Trong phát triển thủy sản, điển hình là dự án sản xuất cá lăng chấm nhằm duy trì giống cá đặc sản, bảo tồn loài quý hiếm; mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) được xây dựng theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ với doanh thu 7,5 tỷ đồng/năm. Với những thành quả đó, đến nay giá trị sản phẩm chủ lực tăng lên, là cơ sở thu hút 18 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và xác nhận 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân... Tuy nhiên, hiện nay mặc dù liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã từng bước hình thành song việc thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn hạn chế; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển những cây trồng có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định còn chậm. Mặt khác, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các khâu bảo quản, chế biến còn chậm; liên kết “4 nhà” trong sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương.

Ðối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, việc thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là điều không dễ dàng. Do vậy, cùng với việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu vùng cho một số sản phẩm đặc thù, là thế mạnh của từng địa phương như: Lúa gạo, rau an toàn (huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ); mắc ca, cà phê (Tuần Giáo, Mường Ảng); chè, dược liệu, gà, lợn, dê (Tủa Chùa); trâu, bò (Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà).

Mai Phương
Bình luận
Back To Top