Ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp

08:41 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 10167 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu phát triển thanh long theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả cao, bền vững, năm 2016 Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả (Hà Nội) triển khai Dự án “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất thanh long tại vùng lòng chảo Ðiện Biên”. Dự án được thực hiện trong 3 năm (2016 - 2019), với 4 giống thanh long: thanh long ruột trắng TBT, thanh long ruột đỏ TL4, LÐ1 và TL5). Cả 4 giống thanh long trên được thí nghiệm với 4 công thức khác nhau và được trồng trên 1 nền đất giống nhau, mật độ trồng 1.000 trụ/ha, mỗi trụ trồng 4 cây, được chăm sóc theo quy trình chung. Sau 3 năm thí nghiệm, các giống thanh long trên sinh trưởng tốt, năng suất cao, chất lượng quả tốt, thích hợp với điều kiện vùng. Trong đó, 2 giống thanh long ruột đỏ TL4 và TL5 đạt năng suất cao hơn hẳn, chất lượng quả tốt, phù hợp điều kiện sinh thái vùng lòng chảo Ðiện Biên. Sau 12 tháng trồng, thanh long ra quả bói và sau 24 tháng, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha; một số nơi đạt năng suất 20 - 25 tấn/ha. Qua tổng kết đánh giá, một hộ dân tham gia mô hình trồng 1ha thanh long ruột đỏ (TL4); năng suất đạt 20 tấn/ha, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg cho thu nhập 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi thuần hơn 210 triệu đồng. Trong khi đó, cùng diện tích như vậy, những hộ không tham gia mô hình thì năng suất chỉ đạt 15 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi thuần chỉ đạt 81,6 triệu đồng.

 

Ðoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn tại Trung tâm Phát triển Chăn nuôi tỉnh.

Là một trong những người tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng trồng thanh long, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi tham gia mô hình trồng thanh long ruột đỏ, năng suất và sản lượng cao hơn nhiều. Hiện nay, gia đình tôi trồng 325 trụ thanh long. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg (tùy từng loại quả và thời điểm), trừ chi phí gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng/vụ. Tương tự, gia đình ông Hoàng Hải Ðông, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) trồng 227 trụ thanh long (chủ yếu thanh long ruột đỏ). Trung bình mỗi cây cho quả sau 1 năm trồng, năng suất đạt 6 - 8kg/trụ/năm; khi cây 2 năm tuổi, năng suất đạt 22 - 25kg/trụ/năm và cây từ 3 năm tuổi trở đi đạt trung bình 40kg/trụ/năm. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu nhập gần 70 triệu đồng/vụ. So với trồng sắn, mía, một số cây ăn quả khác, thu nhập từ trồng thanh long ruột đỏ cao hơn.

Năm 2018, với mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, tìm ra hướng chăn nuôi lợn có hiệu quả kinh tế cao, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển Chăn nuôi tỉnh triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn thịt sạch trên đệm lót sinh học” tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Dự án được thực hiện trong 2 năm, với quy mô 180 con/3 lứa. Sau 3 tháng, đàn lợn của dự án sinh trưởng tốt, bình quân đạt 60kg/con, tăng trọng bình quân đạt 559gam/con/ngày; đến thời điểm này đàn lợn không mắc các bệnh truyền nhiễm hay ký sinh trùng. Ðặc biệt, với quy trình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học kết hợp với sử dụng thức ăn ủ men, lợn được vận động nhiều, thịt chắc, màu sắc đẹp, tỷ lệ nạc cao, mùi vị thơm ngon, không chứa chất tạo nạc, hoóc môn sinh trưởng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài tăng giá trị kinh tế cho người chăn nuôi thì lợi ích nổi bật ở đây là đệm lót sinh học đã xử lý gần triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải. Không chỉ vậy, đệm lót sau  thời gian 2 - 3 năm còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo môi trường chăn nuôi không ô nhiễm.

Ông Nguyễn Ðình Kỳ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Ðây chỉ là 2 trong số nhiều đề tài, dự án khoa học được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là “chìa khóa” để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Thực tế những năm qua, việc ứng dụng các đề tài khoa học vào nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả cao. Nhiều đề tài, dự án sau khi kết thúc mô hình được người dân nhân rộng như: Dự án nhãn ghép lai; nhân giống cá lăng chấm thương phẩm; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tầm trong lồng, bè; xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng dứa an toàn…


Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top