Tìm lời giải cho “bài toán” nâng cao năng suất lao động

09:32 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 11130 In bài viết
Hôm nay 7-8, theo kế hoạch, tại Hà Nội diễn ra hội nghị Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia, do Tổng cục Thống kê (TCTK - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tăng NSLĐ, đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực.

 

Nhiều năm qua, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng khai thác. Trong ảnh: Khai thác than tại Công ty Than Thống Nhất.

Năng suất cải thiện nhưng còn chậm Cuối tháng 5-2019, Abivin - một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo (start-up) của Việt Nam đã vượt qua đại diện hơn 40 quốc gia để giành vị trí quán quân start-up World Cup 2019 do Fenox Ventures tổ chức tại Mỹ. Đây là DN cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, có thể tối đa hóa công suất của xe và tiết kiệm 40% chi phí nhân lực, nhiên liệu, hỗ trợ đắc lực cho ngành logistics Việt Nam. DN này được đào tạo và trưởng thành từ Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) chủ trì. Việc ghi danh Abivin trên đấu trường quốc tế đã khẳng định sự thay đổi về chất lượng khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng năng suất lao động của DN và của cả nền kinh tế. Bộ KH và CN cho biết, những năm gần đây, từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, các DN tham gia đã tạo được những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Điển hình là Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông áp dụng công cụ Lean 6 Sigma tại dây chuyền lắp ráp đèn led, giúp năng suất dây chuyền tăng 59%, giá trị mang lại gần một tỷ đồng/năm. Mô hình này được nhân rộng, giúp tăng NSLĐ từ 10 đến 20% trong toàn ngành. Hay Tổng công ty Đức Giang nâng cao NSLĐ bình quân từ 8 đến 10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi trên dây chuyền từ 15 đến 25% xuống còn 10 đến 12% từ khi áp dụng Mô hình sản xuất tinh gọn (Lean)… Sau khi nhiệm vụ kết thúc, các DN có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 18,8%, cá biệt có DN quy mô nhỏ đạt mức tăng trưởng hơn 50%.

Theo Phó Vụ trưởng Thống kê tổng hợp (TCTK) Nguyễn Thu Oanh, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực. NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng lưu ý, NSLĐ của nước ta có sự khác biệt nhất định giữa các thành phần kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế về quy mô nhưng NSLĐ chưa thể hiện rõ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nhanh, còn NSLĐ khu vực dịch vụ năm 2018 tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Phân tích nguyên nhân, Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh yếu tố quy mô nền kinh tế nhỏ; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Ngoài ra, thay đổi NSLĐ còn được xem xét bởi ba yếu tố: Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, thay đổi NSLĐ trong nội bộ ngành và tác động đồng thời của cả hai yếu tố nêu trên.

Doanh nghiệp phải là động lực chính

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò khá quan trọng vào tăng NSLĐ, nhưng đóng góp của yếu tố này đang có xu hướng giảm, chỉ đạt 39% trong giai đoạn 2011-2017 so với mức 54% của giai đoạn 2000-2010. Tăng NSLĐ sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng NSLĐ nội ngành, nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được.

DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP cho nên NSLĐ của DN là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới NSLĐ của quốc gia. Tuy nhiên, khu vực DN chưa thật sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ. Theo số liệu của TCTK, NSLĐ chung của toàn khu vực DN năm 2017 đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung cả nước. Trong đó, NSLĐ của khu vực DN nhà nước cao gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gấp 3,5 lần; DN ngoài nhà nước gấp 2,5 lần. Chiếm tới 96,7% tổng số DN của cả nước nhưng NSLĐ của DN ngoài nhà nước ở mức thấp nhất cho nên đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực DN.

Do đó, trong các giải pháp nâng cao NSLĐ, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần đặt DN vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DN nhằm tăng NSLĐ với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Hỗ trợ DN tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa; cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng NSLĐ. Bên cạnh đó, DN cần chủ động lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đào tạo kỹ năng, đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả … TCTK cũng đề xuất Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ; phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng NSLĐ, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Từ kinh nghiệm thành công của các nước có NSLĐ cao trên thế giới, Bộ KH và CN cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, dựa trên các trụ cột khoa học, công nghệ và ĐMST là động lực chính để tạo sự bứt phá về NSLĐ và tăng trưởng bền vững. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch này là nâng cao NSLĐ cho DN vừa và nhỏ; tăng năng suất và năng lực cạnh tranh cho DN lớn trong nước; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng chuyển dịch sang công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển KH-CN và ĐMST trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng NSLĐ. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Do đó, cần quan tâm nâng cao NSLĐ trong các DN, qua đó chuyển dần theo xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, đó là yếu tố tăng năng suất nội ngành giữ vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top