Ðể sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển bền vững

08:52 - Thứ Năm, 08/08/2019 Lượt xem: 12317 In bài viết

ĐBP - Cuối tháng 6 vừa qua UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhiều cây trồng thế mạnh có tên trong danh sách sản phẩm cây chủ lực, như: Thóc, gạo Ðiện Biên; ngô, cà phê, mủ cao su, chè Shan tuyết, dứa, mắc ca; rau quả… và được định hướng phát triển tập trung ở từng địa phương theo lợi thế vùng. Ðây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất. Tuy nhiên, để những loài cây chủ lực này phát triển bền vững vẫn là bài toán khó.

 

Công ty TNHH Hải An giới thiệu sản phẩm cà phê tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chủ lực nhưng thiếu… chủ động

Thực tế cho thấy, việc hình thành liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, như: Lúa gạo, chè, cà phê, cao su… đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các cây trồng chủ lực này đó chính là tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm. Phải nhắc đến đầu tiên là cây cà phê chè (arabica) với 3.994,8ha tại huyện Mường Ảng; sản lượng cà phê nhân đạt 3.313 tấn/năm. Hiện nay, sản phẩm cà phê của Công ty Cà phê Ðại Bách Mường Ảng đã được cấp đăng ký mã truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp Tư nhân Cà phê Minh Tiến đã được chứng nhận sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình và nhãn cho canh tác bền vững) diện tích hơn 355,3ha với 282 hộ tham gia, sản lượng khoảng 550 tấn/năm. Tuy nhiên thực tế đáng buồn là nhiều năm liên tiếp người trồng cà phê Mường Ảng chịu nhiều thua thiệt do cà phê rớt giá, chưa kể đến sản lượng cũng sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho rằng: Thị trường tiêu thụ cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp bên ngoài, thị trường thế giới, do đó không chủ động được “đầu ra” cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng do hạn chế trong việc nắm bắt thông tin, giá thị trường trong khi chưa xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn đến việc tiêu thụ cà phê gặp nhiều khó khăn, người trồng cà phê bị tư thương ép giá.

Cây trồng “mũi nhọn” trên vùng cao nguyên đá Tủa Chùa chính thức có tên trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là chè Shan tuyết. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng mới song song với việc thực hiện kịp thời chính sách với người trồng chè, trợ giá thu mua chè cho nông dân diện tích chè có xu hướng tăng trong vài năm qua với 597ha, sản lượng thu hoạch khoảng 15 tấn chè khô/năm (trong đó, có gần 10.000 cây chè cổ thụ trên diện tích khoảng 30ha, sản lượng 2,5 - 3,5 tấn/năm). Hiện nay, một số công ty tham gia phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên, Công ty TNHH trà Phan Nhất, Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên… Các công ty này liên kết và thu mua chè tươi từ các hộ dân thu hái chè cổ thụ cây cao tại Tủa Chùa. Sản phẩm chè đã được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký cung cấp mã số mã vạch; có bao bì, nhãn mác đảm bảo quy định. Hiện cơ quan chức năng đã chứng nhận 2 chuỗi cung ứng sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa an toàn: Chuỗi cung ứng sản phẩm chè cổ thụ Shan tuyết cho Công ty TNHH trà Phan Nhất; chuỗi cung ứng sản phẩm hồng trà, bạch trà, trà xanh Shan tuyết Tủa Chùa cho Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên. Ðây là những điều kiện hết sức thuận lợi để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, song do thị trường không ổn định nên trên thực tế sản lượng tiêu thụ vẫn là vấn đề khó khăn, nhất là vào chính vụ thu hái. Với giá bán 12.000 đồng/kg chè búp tươi cây thấp, huyện Tủa Chùa hỗ trợ thêm bà con 3.000 đồng/kg; thì người trồng chè phần nào được an ủi, nhưng doanh nghiệp thu mua, chế biến chè luôn trong tình trạng lo tồn hàng. Và cụ thể năm 2018, hơn 5 tấn chè khô Tủa Chùa bị tồn kho khiến Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên như ngồi trên đống lửa. Nguyên nhân là do chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, chè Shan tuyết Tủa Chùa chưa được nhiều người biết đến, chỉ mới tiêu thụ phần lớn trong tỉnh…

Liên kết tiêu thụ

Tại hội thảo Hợp tác, phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua; các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã đang trực tiếp trồng, chế biến nông sản chủ lực cho rằng khó khăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ với sản phẩm cà phê Mường Ảng, chè Shan tuyết Tủa Chùa mà với sản phẩm thóc gạo Ðiện Biên, rau quả (rau xanh các loại, cam, bưởi, quýt…) cũng trong tình trạng tương tự đều khó “đầu ra”. Ðơn cử, rau quả trồng ở vùng lòng chảo Mường Thanh hiện được tiêu thụ chủ yếu qua tư thương, tiểu thương; số còn lại đa phần được bán tại chợ đầu mối và bán lẻ. Tuy nhiên do phần lớn nông dân tự sản xuất theo quy mô nông hộ nên manh mún nhỏ lẻ, làm theo mùa vụ nên vào chính vụ giá bán thấp, nông sản dư thừa thường bị tư thương ép giá.

Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc Hợp tác xã Rau củ quả an toàn Thanh Ðông (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) cho biết: Liên kết với nông dân để sản xuất các loại rau củ, quả an toàn theo quy trình VietGap với diện tích hơn 5ha theo mùa vụ đã giúp nông dân có nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ không ổn định cộng với giá bán cao hơn so với thị trường (vì thực hiện các quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt theo đúng quy trình kỹ thuật) nên người tiêu dùng thường cân nhắc trước khi lựa chọn. Vì vậy, rau quả do hợp tác xã trồng thời gian qua chủ yếu bán đổ cho các trường học, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích thì bán lẻ vẫn được xem là kênh quan trọng để đưa rau, củ, quả sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Ðẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Việc đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm, tạo lập vùng nguyên liệu đồng nhất là rất cần thiết để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cần xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển sản phẩm lâu dài bền vững, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm, ký hợp đồng, đảm bảo các điều kiện để hợp đồng thực thi, chia sẻ lợi ích với hộ nông dân trên cơ sở đó sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định, gắn tính cộng đồng trong kinh doanh và phát triển thương hiệu. Cùng với các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm, chia sẻ thông tin thị trường; các địa phương cần chú trọng, ưu tiên lồng ghép, vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành để tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, bao bì nhãn mác, đầu tư nâng cấp trang thiết bị bảo quản, chế biến nâng chất lượng sản phẩm, kết nối với thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top