Bất cập sau quy hoạch 3 loại rừng

08:22 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 14301 In bài viết

ĐBP - Mục tiêu của Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của quy hoạch trước (năm 2008); nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Ðồng thời, cũng là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện giao rừng gắn với giao đất và thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên tham khảo phương án giao đất giao rừng và quy hoạch 3 loại rừng qua bản đồ.

Tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh sau rà soát, điều chỉnh là gần 695.000ha (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh); trong đó, đất có rừng hơn 372.590ha; đất chưa có rừng hơn 322.417ha. Bao gồm các loại quy hoạch rừng: Quy hoạch rừng đặc dụng hơn 51.664ha (chiếm 7,4% đất lâm nghiệp); quy hoạch rừng phòng hộ hơn 415.735ha (59,8%) và quy hoạch rừng sản xuất hơn 227.607ha (32,7%). Việc quy hoạch 3 loại rừng gắn với đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, từng bước nâng tỷ lệ che phủ rừng, phấn đấu đạt 45% vào năm 2025 và 48% vào năm 2030, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ðiên Biên Ðông là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Sau điều chỉnh quy hoạch, hiện nay toàn huyện có hơn 75.741ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 26.253ha đất có rừng và hơn 49.217ha đất chưa có rừng. Một trong những vướng mắc hiện nay là việc 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung đang sinh sống ở khu vực sụt lún, có nguy cơ sạt lở đất cao cần phải di chuyển gấp, nhưng liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng nên đến nay vẫn chưa có phương án di chuyển đến nơi an toàn. Theo Trưởng bản Mường Tỉnh A Vừ A Lử, bản đã định cư ở đây từ trước khi có quy hoạch cũ (năm 2008). Thế nhưng theo quy hoạch 3 loại rừng, thì ngoài diện tích đất dân bản đang sinh sống, tất cả diện tích đất xung quanh bản đều nằm trong quy hoạch. Chính vì vậy, hiện nay người dân không thể di chuyển bởi chỉ cần chuyển ra khỏi khu vực sinh sống là sẽ phạm vào quy hoạch đất rừng.

Cũng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, năm 2019 huyện không hoàn thành được chỉ tiêu giao khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng sản xuất, một phần nguyên nhân cũng liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng. Cụ thể, năm 2019 huyện Ðiện Biên Ðông được tỉnh giao chỉ tiêu trồng 52ha rừng sản xuất và khoanh nuôi bảo vệ 1.200ha rừng. Ðến nay huyện không hoàn thành bởi hầu hết diện tích người dân đăng ký trồng rừng (gần 73ha) và khoanh nuôi tái sinh rừng lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng đã rà soát, điều chỉnh. Thế nhưng, trong số gần 73ha người dân đăng ký chỉ có 5,89ha nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và đủ điều kiện trồng; các diện tích còn lại đều nằm ngoài quy hoạch nên không đủ điều kiện trồng rừng.

Không chỉ huyện Ðiện Biên Ðông, một số huyện khác cũng gặp vướng mắc sau khi quy hoạch 3 loại rừng về: Cơ sở dữ liệu, bản đồ, hiện trạng rừng và tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp có sai số lớn so với thực địa; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình nằm đan xen trong quy hoạch 3 loại rừng; nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng không phù hợp với tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế của các địa phương; nhất là việc quy hoạch 3 loại rừng chưa chi tiết, cụ thể, chưa tổ chức công bố đến tận thôn, bản để người dân biết, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Ðược biết quan điểm chỉ đạo của tỉnh khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng là “điều chỉnh nhưng không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân; đồng thời phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác của tỉnh...” song trên thực tế đã xảy ra nhiều bất cập.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top