Hiệu quả bước đầu của dồn điền, đổi thửa

08:39 - Thứ Hai, 12/08/2019 Lượt xem: 12525 In bài viết
ĐBP - Huyện Ðiện Biên triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ năm 2014 tại khu vực C9, xã Thanh Xương, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu. Qua đó từng bước góp phần khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thuận lợi cho áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

 

Việc dồn điền, đổi thửa giúp người dân dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Hưng thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Thanh Hưng là một trong hai xã của huyện Ðiện Biên được lựa chọn làm điểm thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, sắp xếp lại đồng ruộng gắn với xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Trước đây, toàn xã có gần 300ha lúa 2 vụ và được giao khoán đến từng hộ gia đình bằng hình thức chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần, có xa. Theo đó, mỗi hộ có từ 4 - 6 thửa ruộng và diện tích trung bình từ 400 - 500m2/thửa, cá biệt có nơi diện tích chỉ từ 70 - 100m2/thửa. Do đó, ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún, không phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay và khó đầu tư thâm canh, cơ giới hóa đồng ruộng, gây lãng phí công lao động, giảm hiệu quả sản xuất. Thực hiện chủ trương dồn điển, đổi thửa, xã Thanh Hưng đã thành lập ban chỉ đạo và thống kê số thửa, diện tích, vị trí và hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ; xây dựng phương án quy hoạch đồng ruộng. Ðặc biệt, trong khi thực hiện xã khuyến khích các cá nhân, gia đình tự nguyện chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất theo quy định của pháp luật… và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Sau khi dồn điền, đổi thửa, thay vì nhiều lô thửa như trước, hiện nay trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng với diện tích lớn hơn; cùng với đó, xã đã triển khai quy hoạch lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng. Chị Nguyễn Thị Xuyến, đội 19, xã Thanh Hưng cho biết: Trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi có 3 thửa ruộng, mỗi thửa khoảng 400m2 và nằm cách xa nhau, vì vậy việc canh tác gặp nhiều khó khăn từ việc gieo cấy đến khi thu hoạch. Sau khi dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi được phân chia lại thành một lô lớn, rất thuận lợi trong việc chăm sóc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Tính đến hết năm 2018, xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa tại 6 thôn, đội trên địa bàn. Sau khi dồn điền, đổi thửa, nông dân áp dụng phương pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm và tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế). Trước đây lượng giống gieo trồng bình quân gieo sạ 8 - 10kg/1.000m2 thì hiện nay giảm còn 4 - 5kg/1.000m2. Ðồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Theo thống kê, năm 2018 100% khâu làm đất và thu hoạch ở những diện tích đã đồn điền, đổi thửa đều được sử dụng bằng máy móc góp phần giảm công lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Nếu như trước đây, năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 65 tạ/ha/vụ thì hiện nay đã tăng lên 68 tạ/ha/vụ; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 3,1%.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ngoài khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán thì việc dồn điền, đổi thửa còn nhằm hình thành cánh đồng mẫu lớn, để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðồng thời, đây là cơ sở để quản lý đất đai đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Nhờ cách làm bài bản, chắc chắn nên chủ trương dồn điền, đổi thửa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trên địa bàn huyện. Thành công trong dồn điền, đổi thửa tại xã Thanh Hưng là tiền đề để nông dân thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Thời gian tới, huyện Ðiện Biên sẽ tiếp tục nhân rộng và đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa ở những xã có điều kiện thuận lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top