Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo sản phẩm lúa gạo chất lượng cao

11:03 - Thứ Tư, 14/08/2019 Lượt xem: 10165 In bài viết

ĐBP - Đó là một trong những giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất tại Hội nghị “Đánh giá tiềm năng sản xuất thị trường trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm chủ lực gạo” do Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức sáng nay (14/8), nhằm phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 

Các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá về lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh Điện Biên để tạo ra một số đặc sản gạo, như: Bắc thơm số 7, IR64, Séng cù… nổi tiếng trên thị trường với chất lượng thơm, ngon. Gạo Điện Biên đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đối với sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64; đây là cơ hội để gạo Điện Biên hội nhập, phát triển rộng rãi ra các thị trường lớn. Ngoài ra, vùng lòng chảo Mường Thanh có diện tích 4.300ha, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cũng là một lợi thế lớn để tạo ra gạo đặc sản. Với nhiều lợi thế như vậy, song thực tế hiện nay sản lượng gạo của tỉnh Điện Biên còn ở mức khiêm tốn và chưa phát huy giá trị xứng đáng với lợi thế, tiềm năng.

Lý giải về vấn đề này, các đại biểu đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật áp dụng không đồng đều; việc đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn phụ thuộc nhiều vào năng lực của doanh nghiệp, còn mang tính hình thức nên chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia; việc tổ chức sản xuất lúa gạo tập trung và tìm đầu mối kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm của HTX còn hạn chế… Vì vậy, để thương hiệu gạo Điện Biên thâm nhập vào các thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao và bền vững, hội nghị cũng xác định việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo hàng hóa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ là một hướng đi đúng đắn nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Để làm được điều đó, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp cụ thể, như: Cần tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa để có quy mô lớn hơn thuận tiện cho thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng các công cụ, máy cấy để giảm thiểu lẫn tạp đồng ruộng; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, tăng cường liên kết, nông dân và doanh nghiệp tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao…

Nhân dịp này, đại diện UBND huyện Điện Biên và HTX trên địa bàn tỉnh đề nghị các cấp chính quyền, Liên minh HTX các cấp hỗ trợ giúp đỡ HTX trong khâu tiêu thụ sản phẩm gạo, tạo điều kiện được tham gia chuỗi giá trị nông sản do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng; đề nghị ban hành cơ chế đặc thù về hỗ trợ HTX vay vốn không phải thế chấp tài sản khi thực hiện liên kết sản xuất, đầu tư thiết bị, nhà xưởng; đẩy mạnh mở các lớp tập huấn kinh doanh, thị trường, quản lý điều hành cho cán bộ quản lý HTX...

Tin, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top