Bố trí vốn cho dự án giao thông còn nhiều khó khăn

09:02 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 12252 In bài viết
ĐBP - Trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, toàn tỉnh được phân bổ 3.321 tỷ đồng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực giao thông (chưa bao gồm 10% nguồn vốn dự phòng). Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 1.290 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 877 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ 690 tỷ đồng… Công tác bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án, đảm bảo các nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án. Tuy nhiên, quá trình phân bổ vốn vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án.

 

Tuyến đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí), là một trong những dự án vướng mắc vào đất rừng cần được điều chỉnh.

Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương đầy đủ, kịp thời hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án giao thông. Qua đó, đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản, quy định…

Ðiển hình là việc tăng, giảm quy mô, tổng mức đầu tư các chương trình, dự án. Tại Ðiều 46, Luật Ðầu tư công quy định các trường hợp được điều chỉnh chương trình, dự án, tuy nhiên Nghị định số 136/2015/NÐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ðầu tư công chưa quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án; tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A hoặc ngược lại), đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Hoặc tại Quyết định số 40/2015/QÐ-TTg, các dự án nhóm B thuộc chương trình hỗ trợ mục tiêu ngân sách Trung ương sẽ được hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương. Nhưng tại Văn bản 916/BKHÐT-TH, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thông báo vốn trung hạn cho địa phương, chỉ có một số dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách Trung ương bố trí không đủ theo tiêu chí dự án nhóm B. Khi tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành thẩm định nguồn trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Ðầu tư yêu cầu địa phương phải lồng ghép các nguồn vốn khác để đảm bảo dự án đủ tiêu chí dự án nhóm B. Vì vậy, gây khó khăn trong việc lồng ghép vốn của địa phương và không phù hợp với quy định của các văn bản luật hiện hành…

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Công nghiệp - Thương mại (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết: Không chỉ vướng mắc do các quy định, thủ tục, mà trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình, dự án vướng vào đất rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng. Trong khi đó, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đều phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt điều chỉnh. Chính vì vậy, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như triển khai đầu tư gặp vướng mắc bởi việc chuyển đổi kéo dài dẫn đến không kịp thời triển khai, không giải ngân được vốn như: Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2014 - 2020; Dự án Ðường Tây Trang - bản Pa Thơm; Dự án Ðường Na Sang (Km146+200/QL.12) - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí)…

Những khó khăn, vướng mắc trên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân bổ, bố trí vốn và tiến độ triển khai các dự án giao thông. Ðiển hình như Dự án Ðường Na Phay - Huổi Chanh - bản Gia Phú A, B, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên). Ðây là công trình giao thông cấp IV, có tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2019. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên phải xin điều chỉnh dự án đến năm 2020. Nguyên nhân là dự án bị vướng trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ thực hiện. Gói thầu xây lắp số 1, đoạn tuyến đi qua 600m rừng phòng hộ nên chưa thể thông tuyến. Trong khi gói thầu xây lắp số 2 chưa thực hiện do chưa giải phóng được mặt bằng bởi 29ha rừng phòng hộ. Do đó dự án phải tạm dừng thi công từ năm 2018 đến nay để thực hiện công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và điều chỉnh dự án. Theo kế hoạch, dự án được bố trí vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 là 82,138 tỷ đồng; số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư của dự án là 42,862 tỷ đồng đã được UBND tỉnh đề xuất các Bộ, ngành bổ sung từ nguồn vốn dự phòng 10% ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Lũy kế kế hoạch số vốn đã bố trí đến năm 2018 là 42,55 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phân bổ cho dự án là 19 tỷ đồng nhưng đến nay chưa có thông báo chính thức. Vì vậy đến nay, lũy kế số vốn đã giải ngân mới đạt 35,49 tỷ đồng.

Tương tự, Dự án Thảm tăng cường bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các đường cong có bán kính nhỏ, kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn Km102 - Km139+650 (qua huyện Mường Chà). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 538,5 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và khởi công năm 2014. Ðến nay, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nền đường và thảm bê tông nhựa hoàn chỉnh mặt đường. Dự án đã giải ngân hết kế hoạch vốn được bố trí là 244,5 tỷ đồng; số vốn còn thiếu là 294,066 tỷ đồng. Hiện nay, công trình buộc phải dừng thi công do ngân sách Nhà nước chưa cấp bổ sung nguồn vốn còn thiếu để hoàn thiện các hạng mục, dù dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, để triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn những năm còn lại, cần phải thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công; chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập về quy định pháp lý để đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo quy định, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công…

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top