Chưa phát huy hiệu quả của nhãn hiệu nông sản

09:06 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 12378 In bài viết
ĐBP - Mặc dù thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT), chỉ dẫn địa lý (CDÐL) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần cơ cấu lại sản xuất và thúc đẩy kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, những nhãn hiệu, chỉ dẫn này vẫn gặp vướng mắc, khó khăn và chưa phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng để phát triển sản phẩm trên thị trường.

 

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green giới thiệu sản phẩm gạo Ðiện Biên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340/QÐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDÐL số 00043 cho sản phẩm gạo Ðiện Biên với 2 giống gạo IR 64 và Bắc thơm số 7. Và 4 năm sau, trên địa bàn tỉnh mới có một đơn vị đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDÐL “Ðiện Biên” cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 là Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt tại cửa hàng của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và hỏi một số người tiêu dùng về CDÐL cho sản phẩm gạo Ðiện Biên thì không ai biết đến. Chị Trịnh Thị Ngọc, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) - một khách hàng mua gạo cho biết: “Tôi không biết CDÐL của sản phẩm gạo Ðiện Biên như thế nào mà chỉ nghe bạn bè, người thân giới thiệu về sản phẩm gạo của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green thơm, ngon nên đã đến đây để mua”. Cũng giống như chị Ngọc, chị Trần Thị Tiệp, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) có cùng ý kiến khi được hỏi về CDÐL của sản phẩm gạo Ðiện Biên. Chị Tiệp chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường gạo có nhiều logo, nhãn mác gắn với sản phẩm gạo Ðiện Biên nhưng tôi không biết logo hay nhãn mác nào mà đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDÐL”.

Lý giải về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Sau khi gạo Ðiện Biên được chứng nhận CDÐL, các đơn vị, doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gạo như chúng tôi hi vọng đây là cơ sở để tăng giá trị kinh tế cho người dân trồng lúa; góp phần tăng giá trị cho thương hiệu gạo Ðiện Biên, giữ gìn và phát triển đặc sản gạo Ðiện Biên rộng khắp cả nước. Sau rất nhiều năm đăng ký sản phẩm, đến năm 2018, công ty mới được trao quyền sử dụng CDÐL cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7. Nhưng khi đã có logo và thương hiệu riêng cũng không phát huy được hiệu quả vì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh còn hạn chế nên nhiều người không biết đến CDÐL gạo Ðiện Biên. Ngoài ra hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại gạo cũng lấy danh nghĩa, nhãn mác gạo Ðiện Biên, song chất lượng chưa đảm bảo đã ảnh hưởng đến sản phẩm gạo chính hiệu. Nếu so sánh với gạo Séng cù Lào Cai, chất lượng gạo Ðiện Biên không thua kém nhưng họ làm rất tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Không chỉ giới thiệu quảng bá sản phẩm, chính quyền địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, in ấn bao bì, tem nhãn… Còn ở tỉnh ta, trước kia, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đăng ký sản phẩm để được trao quyền CDÐL nhưng nhận thấy không hiệu quả nên họ không mặn mà. Từ đó, người tiêu dùng cũng không nhận ra đâu là gạo Ðiện Biên chính hiệu.

Tương tự như CDÐL đối với gạo Ðiện Biên, gạo nếp tan Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) cũng được đăng ký NHTT mấy năm nay nhưng không phát huy hiệu quả. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Nếp tan Na Son được trồng chủ yếu ở khu vực Sư Lư, xã Na Son. Năm 2016, nếp tan Na Son đã xây dựng thành công NHTT. Ðây là tín hiệu vui, là sự công nhận, mở ra cơ hội mới cho hạt gạo nếp tan của người dân Sư Lư; nhưng vì không tìm được đầu ra nên nhãn hiệu này chưa phát huy được hiệu quả. Cần có một đơn vị, doanh nghiệp thu mua nhân rộng, quảng bá sản phẩm gạo nếp tan Na Son ra các thị trường lớn và quốc tế. Vừa qua, phòng đã liên kết, ký kết với HTX để xuất bán sản phẩm gạo nếp tan Na Son vào các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, HTX này đang tiến hành ký kết với bà con và đơn vị sẽ theo dõi khả năng thu mua của HTX này để vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo chuỗi sản phẩm; tránh lãng phí NHTT đặc sản của địa phương đã được xây dựng.

Nói về phát huy giá trị của NHTT, CDÐL đối với đặc sản của địa phương, ông Hồ Trung Kiên, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, an toàn, bức xạ, hạt nhân - sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hiện nay, tỉnh ta đã có sản phẩm gạo Ðiện Biên đã xây dựng được CDÐL và nếp tan Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) đăng ký NHTT. Khi có quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDÐL cho gạo Ðiện Biên, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý về CDÐL; đến thời điểm này chỉ có Công ty TNHH thực phẩm Safe Green đủ điều kiện và được trao quyền sử dụng CDÐL. Thực chất các nhãn hiệu sản phẩm rất tốt nhưng chất lượng sản phẩm phải đảm bảo và mang tính đặc thù mới phát huy hiệu quả. Ngoài ra, lợi dụng sự kém hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn lợi dụng NHTT, CDÐL để sản xuất, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến các sản phẩm chính hiệu có NHTT, CDÐL.

Có thể nhận thấy thực tế hiện nay, việc khai thác và giám sát sử dụng các nhãn hiệu nông sản lỏng lẻo, việc in ấn bao bì, mẫu nhãn hiệu cho sản phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ nên các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận NHTT, CDÐL đặc trưng dễ bị xâm phạm. Nhận thức của người tiêu dùng về NHTT, CDÐL chưa sâu sắc nên các nhãn hiệu sản phẩm chưa phát huy được thế mạnh để khẳng định vị thế trên thị trường. Vì vậy, sau khi được cấp NHTT, CDÐL, vấn đề quan trọng là quản lý và phát triển như thế nào để phát huy hiệu quả. Ðây là điều mà các nhãn hiệu, CDÐL của nông sản tỉnh Ðiện Biên chưa có được. Nhãn hiệu, CDÐL chung nhưng chưa có sự chung tay, đồng lòng trong phát triển sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp. Do vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, CDÐL, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các ban, ngành, địa phương, rất cần tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn để bảo vệ, phát triển nhãn hiệu, CDÐL nông sản của tỉnh xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top