Hiệu quả phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 37-NQ/TW

08:44 - Thứ Hai, 19/08/2019 Lượt xem: 12516 In bài viết

ĐBP - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh ta phát triển khá toàn diện, theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn. Các đề án, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn được xây dựng, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy lợi thế từng vùng.

 

Người dân mua hàng tại cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn Xanh Mart Ðiện Biên (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Phạm Trung

Phát triển vùng chuyên canh nông - lâm nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 37 đối với phát triển nông nghiệp, tỉnh ta đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng và mở rộng thâm canh, tăng từ 1 vụ lên 2 vụ/năm. Hiện nay, tỉnh ta đã hình thành một số vùng chuyên canh nông nghiệp, khẳng định giá trị, chỗ đứng trên thị trường, như: Lúa chất lượng cao và rau, củ, quả ở huyện Ðiện Biên; cà phê ở huyện Mường Ảng; ngô, đậu tương ở huyện Tuần Giáo… Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã đạt được những kết quả tích cực như: Sản xuất rau thủy canh, rau an toàn trong nhà lưới; sản xuất và nuôi cấy nấm; nuôi đông trùng hạ thảo. Diện tích thực hiện cánh đồng lớn được mở rộng, liên kết sản xuất theo chuỗi được hình thành, góp phần tăng giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân.

Một trong những vùng chuyên canh phát triển là cà phê Mường Ảng. Ðến hết năm 2018, tổng diện tích cà phê toàn huyện là 3.311ha. Huyện Mường Ảng đã thống nhất thành lập Tổ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu hái, sơ chế cà phê trấu. Thành viên Tổ tuyên truyền là cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện có trách nhiệm tìm kiếm các đơn vị thu mua có uy tín để thông tin cho người dân; đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái, sơ chế cà phê trấu, đáp ứng yêu cầu của đối tác thu mua. Với cách làm đó, niên vụ cà phê 2017 - 2018, toàn huyện thu gần 37.000 tấn quả tươi (tương đương 7.500 tấn cà phê trấu), với giá 38 nghìn đồng/kg cà phê trấu cho tổng thu nhập hơn 28 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện xác định “Chính quyền quy hoạch, định hướng vùng và phải luôn đồng hành cùng người trồng cà phê tìm thị trường ổn định”. Tới đây, Mường Ảng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất cà phê theo chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (chương trình và nhãn cho canh tác bền vững) để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cà phê của Công ty Cà phê Ðại Bách Mường Ảng đã được cấp đăng ký mã truy xuất nguồn gốc; Doanh nghiệp Tư nhân cà phê Minh Tiến đã được cấp chứng nhận sản xuất cà phê theo chuẩn UTZ trên diện tích 355,33ha với 282 hộ tham gia, sản lượng khoảng 550 tấn/năm. Ngoài ra, trên địa bàn đã phát triển một số cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp ướt và 4 cơ sở chế biến rang xay với sản lượng 50 tấn sản phẩm/năm.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp dựa vào các loại cây thế mạnh của từng địa bàn là một trong những nội dung quan trọng của Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Cùng với phát triển tập trung cây trồng theo vùng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, đề xuất chính sách thúc đẩy liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị và đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đi thẳng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ uy tín. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 18 chuỗi sản xuất liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn.

Phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ

Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh năm 2018 đạt trên 4,42 triệu con, tăng 3,3 triệu con so với năm 2004 (trong đó: trên 32.000 con trâu, trên 43.000 con bò, trên 184.000 con lợn và trên 3 triệu con gia cầm). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 19,65 nghìn tấn.

Ðối với đàn trâu, bò, tỉnh ta đã ban hành các chính sách khuyến khích người dân

chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Các cơ quan chuyên môn đã tích cực triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo, cải tạo theo hướng Zebu hóa để cải thiện và nâng cao chất lượng đàn trâu, bò địa phương. Hiện nay, sản phẩm thịt trâu, bò khô được đóng gói, cung cấp về các thị trường lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Hải Dương... Tổng đàn dê có khoảng 79.000 con tập trung tại các huyện: Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ. Ngoài thị trường trong tỉnh, thịt dê Ðiện Biên là sản phẩm rất được ưa chuộng tại các thị trường: Ninh Bình, Hà Nội.

Những năm qua, chăn nuôi lợn phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng với nhiều giống lợn ngoại, lai đã được sử dụng. Những giống lợn thường được sử dụng làm dòng cái là Yorkshire và Landrace; dòng đực là Yorkshire, Duroc và Pietrian để cải tạo con lai nuôi thương phẩm từ 2, 3 hoặc 4 máu ngoại. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 trang trại nuôi lợn quy mô. Ðiển hình như: Trang trại Chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành (huyện Ðiện Biên), quy mô 12.000 con/năm; Trang trại Chăn nuôi lợn siêu nạc Huy Toan với quy mô 300 con lợn nái sinh sản, 20 con đực giống và 2.000 con lợn thịt/năm; Trang trại Chăn nuôi lợn ở xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) với quy mô 3.750 con/năm... Thị trường tiêu thụ thịt lợn chủ yếu trong tỉnh bởi hiện nay sản lượng thịt lợn mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thị trường trong tỉnh.

Cùng với phát triển gia súc gia cầm, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hiện nay đạt 2.243ha, sản lượng 3.281 tấn, tăng 859ha và 2.719 tấn so với năm 2004. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) năm 2018 đạt 3.145,5 tỷ đồng, tăng 2.498,6 tỷ đồng so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 4,26%; cơ cấu ngành Nông nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2018 giảm 17,44% so với năm 2004 nhưng giá trị sản xuất tăng 3.396,27 tỷ đồng.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top