“Cầu nối” tìm đầu ra cho nông sản

08:31 - Thứ Tư, 21/08/2019 Lượt xem: 13184 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, song song với công tác chỉ đạo tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, các ngành chức năng đã và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ðây được xem là “cầu nối” hiệu quả giúp doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Gian hàng giới thiệu nông sản của tỉnh Ðiện Biên tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2019.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh hiện có 39 loại sản phẩm có thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm và một nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm với 19 sản phẩm. Ðặc biệt, tỉnh có 8 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng như: Gạo Ðiện Biên chất lượng cao, thịt khô gác bếp, chè Shan tuyết, sữa bột gạo lứt... Với lợi thế sẵn có của địa phương, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh đã khai thác, phát triển sản phẩm nông sản trở nên có giá trị, được thị trường đón nhận và đánh giá khá cao. Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh ta sẽ lựa chọn 21 sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gồm 5 nhóm, trong đó nhóm thực phẩm chủ yếu là: gạo Ðiện Biên chất lượng cao của HTX Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên; miến dong Mường Phăng; dứa Na Sang, vú sữa Thanh Hưng, khoai sọ Phì Nhừ, thịt khô, cá nước lạnh Tênh Phông, bánh khẩu xén Mường Lay, cam Mường Nhé.

Nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá sản phẩm của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã tham mưu tổ chức các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh và nhiều triển lãm có quy mô trên cả nước. Gần đây nhất là sự góp mặt của nông sản Ðiện Biên tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2019 vừa được tổ chức cuối tháng 4. Trong đó, Ðiện Biên tham gia 4 gian hàng tiêu chuẩn (Trung tâm Xúc tiến thương mại 2 gian; HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II 1 gian; Cơ sở nuôi trồng Tảo xoắn Mường Ảng 1 gian). Ðiện Biên tham gia hội chợ lần này không chỉ trưng bày, giới thiệu, quảng bá, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh mà còn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tổ chức Hội chợ OCOP; quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Thông qua các hội chợ, các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối giao thương, đẩy mạnh phát triển kênh phân phối sản phẩm hàng hóa tại thị trường các tỉnh, thành trong nước. Khu gian hàng của tỉnh Ðiện Biên tại hội chợ được đông đảo doanh nghiệp và người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Các mặt hàng được doanh nghiệp và du khách quan tâm tìm hiểu như: Gạo chất lượng cao của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; tảo xoắn tươi và các sản phẩm chế biến như: Thạch tảo xoắn, sữa chua tảo xoắn của Cơ sở  nuôi trồng Tảo xoắn Nguyễn Ðức Lợi (huyện Mường Ảng)...

Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh cho biết: Không chỉ tích cực kết nối, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia các hội chợ thường niên, năm 2019 nông sản Ðiện Biên còn được góp mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm lớn trên cả nước, như: Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc tại Hòa Bình năm 2019 dự kiến tổ chức quý IV/2019; Hội chợ Ðặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức chức từ ngày 20 - 24/11 tại Hà Nội; Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19-Agro Viet 2019 tổ chức từ ngày 26 - 29/9 tại Hà Nội... Các hội chợ sẽ giúp tỉnh giới thiệu các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được xác nhận; sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh và các sản phẩm được lựa chọn trong chương trình OCOP của tỉnh (theo Quyết định 1141/QÐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh) để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết; đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào hệ thống bán lẻ hiện đại tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận; góp phần tìm đầu ra cho nông sản Ðiện Biên.

Ðể đạt mục tiêu đó, trước hết việc lựa chọn, liên kết với các tỉnh, địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của Ðiện Biên rất quan trọng. Hòa Bình là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô và trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuận tiện về giao thông đường thủy, đường bộ. Từ thành phố Hòa Bình chỉ mất hơn 1 giờ là có thể đến Sân bay Nội Bài và hơn 2 giờ là đến cảng Hải Phòng - đây là những cửa ngõ quan trọng phục vụ cho việc đi lại và xuất nhập hàng hóa của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Do đó, tỉnh ta nhận thấy đây là địa bàn thuận lợi góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác; làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ; tạo cơ hội thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có thể khẳng định các hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã trở thành “cầu nối” quan trọng trong việc thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối với người tiêu dùng. Tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang rất cần những chính sách, hỗ trợ đúng mức để đánh thức tiềm năng và giá trị sẵn có. Ðặc biệt là sớm hoàn thành công nhận các sản phẩm nằm trong quy hoạch sản phẩm OCOP của tỉnh như: Gạo xã Thanh Yên, Thanh Hưng; miến dong xã Nà Tấu, vú sữa xã Thanh Hưng; thịt khô, mật ong xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên); cam huyện Mường Nhé; bánh khẩu xén TX. Mường Lay; cà phê Arabica Mường Ảng; chè Shan tuyết Tủa Chùa; rượu Mông Pê Tủa Chùa; tảo xoắn; đông trùng hạ thảo…

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top