Liên kết sản xuất theo chuỗi còn hạn chế

08:35 - Thứ Tư, 21/08/2019 Lượt xem: 12556 In bài viết
ĐBP - Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng như: Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún; nâng cao giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích; tăng thu nhập cho người dân; cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thu hút nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản chưa ổn định.

 

Sản phẩm dứa Mường Chà được đánh giá cao về chất lượng, nhưng hiện nay đang gặp khó khăn về đầu ra. Trong ảnh: Người dân xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) chăm sóc dứa.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã tuyên truyền, vận động xây dựng và xác nhận được 18 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, gồm: 3 chuỗi gạo; 1 dứa; 1 thủy sản; 6 rau, củ, quả; 1 bánh khẩu xén, óc chó; 2  thịt khô; 2 chè tuyết shan; 1 cà phê Mường Ảng và 1 chuỗi mật ong. Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đã mang lại hiệu quả tích cực. Một trong những điển hình là chuỗi sản phẩm chè tuyết shan của công ty TNHH Trà Phan Nhất trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Hiện nay huyện Tủa Chùa có khoảng 10.000 cây chè shan tuyết, với tổng sản lượng khoảng 5 tấn chè búp khô/năm. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, hàng năm Công ty liên kết và thu mua chè tươi do người dân thu hái từ chè cổ thụ cây cao. Sản phẩm chè đã được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký cung cấp mã số, mã vạch; có bao bì, nhãn mác đảm bảo quy định. Sản phẩm chè tuyết shan được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Chính vì vậy, hiện nay sản phẩm chè tuyết shan Tủa Chùa đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hải Dương và đầu năm 2017, Công ty TNHH Trà Phan Nhất đã xuất khẩu được khoảng 3 tấn chè khô tuyết shan Tủa Chùa sang Trung Quốc, Ðài Loan...

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản) thì qua triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn đã đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, sản xuất mô hình theo chuỗi tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực; phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, bền vững, nâng cao thu nhập. Ðây là bước đi đúng hướng, phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Sản xuất mô hình theo chuỗi đã đem lại lợi ích cho “3 nhà”, gồm: Người tiêu dùng biết được địa chỉ tin cậy, được sử dụng sản phẩm an toàn, yên tâm sử dụng, đảm bảo sức khỏe; người sản xuất kinh doanh nâng cao được giá trị sản phẩm, được người tiêu dùng biết đến, mức độ tiêu thụ sản phẩm cao hơn; người làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm sẽ thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì hiện nay vấn đề tiêu thụ nông sản đối với các chuỗi liên kết đang gặp khó khăn nhất định. Ðơn cử đối với sản phẩm dứa Mường Chà. Hiện nay trên địa bàn huyện Mường Chà có 2 hợp tác xã (HTX) được chứng nhận sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: HTX dứa Na Sang (xã Na Sang) với 63ha và HTX dứa Sa Lông (xã Sa Lông) với diện tích 24ha. HTX dứa Na Sang ngoài việc được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm dứa an toàn với 38 hộ trồng dứa tham gia vào quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, HTX đã mở rộng diện tích khoảng 100ha. Trước đây, dứa của HTX được các thương lái thu mua tập trung với số lượng lớn để chuyển đi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội tiêu thụ. Thế nhưng vài năm gần đây, đặc biệt năm 2019, lượng dứa tiêu thụ rất ít và gần như chỉ tiêu thụ nội tỉnh bởi nguồn cung nhiều, trong khi sức tiêu thụ thấp.

Tương tự, đối với chuỗi cà phê của Công ty TNHH Cà phê Ðại Bách Mường Ảng, có diện tích 30ha, năng suất đạt trung bình 2 tấn/ha. Công ty đã áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến cà phê đảm bảo tiêu chuẩn cà phê sạch. Ðặc biệt đã áp dụng thành công công nghệ lên men sinh học tự nhiên đối với sản phẩm cà phê. Các sản phẩm tại cơ sở được đánh giá cao, tuy nhiên từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, không mở rộng được thị trường; diện tích và sản lượng giảm rõ rệt do giá cà phê bấp bênh, người dân không mặn mà trong việc trồng và chăm sóc cây cà phê.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều nông sản liên kết theo chuỗi sản xuất nhưng vẫn gặp khó khăn về đầu ra. Có nhiều nguyên nhân, như: Một số địa phương có vùng nguyên liệu nhưng chưa thành lập được tổ hợp tác hoặc HTX, dễ dẫn đến sự bấp bênh trong mối liên kết giữa đơn vị tiêu thụ và người sản xuất. Bên cạnh đó là chưa tạo được mối liên kết cùng tiêu thụ một sản phẩm giữa các HTX, doanh nghiệp; còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Hình thức sản xuất chủ yếu theo truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo nên vùng nguyên liệu tập trung, chưa chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa bài bản, hệ thống; kết nối thông tin thị trường còn hạn chế…

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top