Cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển thủy lợi

08:29 - Thứ Sáu, 23/08/2019 Lượt xem: 14003 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm gần đây hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau; công tác giao vốn, phân bổ vốn được triển khai kịp thời, nhờ đó nhiều công trình, dự án thủy lợi có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Hệ thống kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Phong Vân

Theo Quyết định 691/QÐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2035, tổng kinh phí thực hiện quy hoạch thủy lợi trong giai đoạn này là 6.742 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 364 tỷ đồng (không bao gồm 316 tỷ đồng tiếp chi cho các dự án đang đầu tư); trong đó, 276 tỷ đồng phục vụ mục đích cấp nước tưới cho nông nghiệp; thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp là 52 tỷ đồng và 36 tỷ đồng dành cho tiêu úng, phòng chống lũ. Cơ cấu về phân nguồn vốn đầu tư (theo danh mục dự án đầu tư công trung hạn) gồm: Vốn do bộ ngành Trung ương quản lý 52,3 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 40 tỷ đồng; vốn Trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 195,2 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 4,9 tỷ đồng; vốn khác 71,8 tỷ đồng. Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.056 tỷ đồng và giai đoạn sau năm 2025 là 4.322 tỷ đồng.

Nội dung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2035 là cải tạo, nâng cấp sửa chữa 351 công trình, đảm bảo nước tưới chủ động cho 9.810ha vụ chiêm và 13.674ha vụ mùa; xây dựng mới 467 công trình, đảm bảo nước tưới ổn định cho gần 4.200ha vụ chiêm, hơn 6.300ha vụ mùa và hơn 7.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả. Ðồng thời, quy hoạch tiêu thoát nước khu vực lòng chảo Ðiện Biên gồm 4 vùng tiêu chính: Thanh Yên, Noong Luống, Noong Hẹt, Thanh An (huyện Ðiện Biên) với diện tích 850ha lúa và hoa màu. Ðảm bảo cung cấp đủ nước tưới đối với vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chất lượng cao tại huyện Ðiện Biên và thành phố Ðiện Biên Phủ với diện tích 4.060ha và các vùng lúa thâm canh tốt tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé.

Ðể đáp ứng nguồn vốn thực hiện các mục tiêu trên, thời gian qua các cấp, ngành tỉnh đã tận dụng tối đa nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách do Trung ương quản lý sẽ tập trung thực hiện các công trình lớn, quan trọng; ngân sách địa phương tập trung đầu tư vào công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp và người dân xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng đường ống và vòi tưới phun mưa nhỏ giọt cho vùng cây công nghiệp dài ngày tập trung có giá trị cao (cà phê, chè). Ðẩy mạnh việc thực hiện chương trình thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ vào phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Các sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trung hạn và hàng năm để thực hiện dự án quy hoạch và bố trí kế hoạch vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp phát, thanh quyết toán vốn thực hiện các dự án. Ðến nay, nguồn vốn dành cho thủy lợi trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và vốn hàng năm cơ bản đã phân bổ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đầu tư mới, sửa chữa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo sự phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; góp phần hoàn thành tiêu chí thủy lợi theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau (trái phiếu Chính phủ, cân đối ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu…) từ tháng 6/2018 - 6/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng mới và sửa chữa 32 công trình nông nghiệp với tổng mức đầu tư sau thẩm định hơn 213,715 tỷ đồng; trong đó có 17 công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư hơn 122 tỷ đồng. Nhiều công trình sau khi đầu tư mới, sửa chữa đáp ứng nhu cầu về tưới, tiêu cho ngành Nông nghiệp, như: Dự án Nạo vét, sửa chữa kênh hữu Ðại thủy nông Nậm Rốm, đoạn qua phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng; Thủy lợi Nà Ðén, xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) tổng mức đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng; Thủy lợi Nậm Chăn, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo)…

Ðẩy nhanh tiến độ phân bổ các nguồn vốn phát triển thủy lợi, đến nay nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nước có quy mô đã và đang được triển khai, góp phần đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ như: Công trình sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước bản Ban, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; hồ chứa nước Hồng Sạt với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng; hồ chứa nước Sái Lương 10,5 tỷ đồng… Hiện nay, toàn tỉnh có 898 công trình thủy lợi, gồm 13 hồ chứa nước, 2 trạm bơm điện, 2 trạm bơm thủy luân, còn lại là các công trình lấy nước bằng đập dâng. Tổng năng lực tưới theo thiết kế trên 37.240ha; thực tế tưới trên 25.094ha (vụ chiêm xuân 10.083ha, vụ mùa 15.011ha).

Phong Vân
Bình luận
Back To Top