Phối hợp thu hồi nợ đọng thuế

08:30 - Thứ Sáu, 23/08/2019 Lượt xem: 9617 In bài viết

ĐBP - Năm 2019, HÐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách Nhà nước hơn 1.196 tỷ đồng, tăng 7,39% so với dự toán Trung ương giao. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng, trốn thuế còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu ngân sách Nhà nước của tỉnh.

 

Người dân làm thủ tục kê khai, nộp thuế tại Chi cục Thuế huyện Tuần Giáo.

Tính đến hết tháng 6/2019 số nợ thuế toàn tỉnh là 260 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ thuế khó thu là 72,3 tỷ đồng; nhóm nợ thuế có khả năng thu 187,7 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế hàng chục tỷ đồng và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân nợ đọng thuế tăng là do ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế; nợ khó thu do các doanh nghiệp giải thể, phá sản và tiền chưa nộp, tiền phạt chưa được Trung ương cho chủ trương xử lý. Nhiều đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa thực sự quan tâm đến công tác lập, nộp báo cáo quyết toán về cơ quan tài chính. Các doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không có việc làm, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, hoạt động cầm chừng, khó khăn về tài chính kéo dài... dẫn đến không chấp hành nghĩa vụ hoặc chậm nộp thuế. Tình hình giải ngân, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp còn thấp, số công trình được nghiệm thu thanh toán đã kê khai tính thuế xong nhưng vẫn chưa được thanh toán vốn còn nhiều hoặc chỉ được tạm ứng dẫn tới chậm nộp tiền thuế…

Xác định đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng, trốn thuế là một trong những giải pháp hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao thu ngân sách, ngay từ đầu năm UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tổng hợp (Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính), các cơ quan chủ quản đầu tư, chủ đầu tư có các chương trình, dự án lớn (Sở Giao thông - Vận tải, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…), các cơ quan thanh toán vốn (Kho bạc Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển) nắm tình hình bố trí vốn đầu tư, kế hoạch điều hành ngân sách, giải ngân các nguồn vốn từ đó có cơ sở và biện pháp thu kịp thời các khoản thu, nhất là thu hồi nợ thuế. Nâng cao trách nhiệm đơn vị chủ đầu tư trong việc thực hiện khấu trừ số thuế giá trị gia tăng để nộp vào ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ quy định là 2% trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; kịp thời tổng hợp nợ khó thu, tiền phạt khi Trung ương cho chủ trương xử lý. Bên cạnh đó, giao ngành Thuế tỉnh quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế như: Tăng cường quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng; thực hiện quyết liệt các phương án thu hồi nợ thuế theo Luật Quản lý thuế quy định. Ðẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý nợ thuế; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan kho bạc các cấp, các ngân hàng thương mại, ban quản lý dự án về thực hiện nguồn vốn thanh toán của người nộp thuế khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế; phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thu nộp ngân sách tỉnh để xử lý các trường hợp nợ đọng dây dưa kéo dài, cố tình chây ỳ nợ đọng tiền thuế.

Từ đầu năm đến nay, ngành Thuế tỉnh đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Trong đó, tập trung ở lĩnh vực, hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao về thuế như: kinh doanh bất động sản; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; kinh doanh vật liệu xây dựng… Nhờ đó, tính đến hết tháng 7, toàn ngành Thuế đã thu được hơn 629 tỷ đồng, đạt 54,7% dự toán pháp lệnh và đạt 108,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top