Dạy nghề khai thác mủ cao su

09:03 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 12919 In bài viết

ĐBP - Trung tuần tháng 8, chúng tôi có mặt tại lớp đào tạo nghề khai thác mủ cao su cho 35 nông dân được tổ chức tại Nông trường Cao su Mường Chà (huyện Mường Chà). Lớp học này đào tạo nghề sơ cấp khai thác mủ cao su cho lao động nông thôn theo Ðề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, do Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức. Trên vườn cao su thị trấn Mường Chà, từng tốp học viên đang tỉ mỉ thao tác từng đường cạo theo hướng dẫn của giảng viên. Thầy giáo Trần Văn Quyết, giáo viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su - người trực tiếp giảng dạy thực hành cho biết: Lớp học bắt đầu từ đầu tháng 7 nên cơ bản phần học lý thuyết đã hoàn thành, học viên được hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ theo đúng quy trình, thời gian cạo và phương pháp chăm sóc cây cao su trong quá trình khai thác để đảm bảo kỹ thuật cạo và đạt năng suất cao nhất. Trong thời gian học, học viên còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ thuật bảo vệ, quản lý vườn cây sau khi khai thác; cách phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp để chăm sóc và bảo vệ tốt vườn cây.

Học viên thực hành thao tác khai thác mủ tại Nông trường Cao su Mường Chà.

Chị Hồ Thị Tàng, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) cho biết: Từ khi cây cao su trồng ở huyện Mường Chà đưa vào khai thác mủ, nhiều người trong xã Sa Lông đi học nghề cạo mủ. Thi sát hạch đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ học nghề, họ đều được ký hợp đồng khai thác mủ với Nông trường Cao su Mường Chà, được bố trí làm việc ngay tại các đội sản xuất gần nhà. Có việc làm và thu nhập ổn định, thời gian rảnh vẫn tranh thủ làm việc nhà, chăn nuôi, tra ngô, trồng lúa nhờ vậy mà có tiền lo cho con cái học hành, trang trải cuộc sống. Khi biết có lớp học nghề khai thác mủ, chị Tàng cùng 6 người dân xã Sa Lông tham gia học nghề với hy vọng có tay nghề để tìm được việc làm cho đỡ vất vả, thêm thu nhập. Chị Tàng bảo: “Trước kia cho rằng cạo mủ cao su là nghề khó học, nhưng được thầy giáo hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình, giờ mình đã nắm vững kỹ thuật và thao tác cạo mủ. Biết rằng kỹ thuật thiết kế cạo, mở miệng cạo, tạo đường cạo chuẩn góp phần quan trọng quyết định năng suất mủ cũng như đảm bảo sinh trưởng của cây cao su. Với kiến thức đã học và được thực hành trực tiếp tại vườn cây, mình tin rằng sẽ đạt kết quả cao trong phần thi sát hạch để được cấp chứng chỉ và được nhận vào làm công nhân khai thác mủ cao su trong thời gian tới”.

Cũng với mong muốn có tay nghề để có việc làm, thu nhập ổn định, anh Lý A Chá, xã Sa Lông nhận khoán vườn cây để được trả công chăm sóc làm cỏ, bón phân, phun phòng thuốc bảo vệ thực vật… khi cây cao su trong giai đoạn thiết kế. Ðến nay, vườn cây nhận khoán của gia đình anh Chá đã được khai thác mủ và đây cũng là cơ hội để anh có thêm nguồn thu nhập từ việc cạo mủ cao su. Vì vậy, anh Chá học nghề khai thác mủ để làm việc trên chính vườn cao su mình nhận khoán. Ðược đánh giá là một trong những học viên nắm bắt kiến thức và kỹ thuật cạo nhanh, anh Chá chia sẻ: Không chỉ được học kỹ thuật khai thác mủ cao su mà học viên còn được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc vườn cây kinh doanh cũng như kiến thức về các loại sâu bệnh hại cao su; hiểu được mục đích của việc chia cây cạo, kỹ thuật thu mủ…

Ông Phan Mạnh Kha, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Căn cứ vào nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức các lớp dạy nghề 3 tháng cho nông dân, ưu tiên mở tại các vùng dự án phát triển cây cao su có nhiều diện tích đưa vào khai thác mủ. Hiện nay, Chi cục phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề khai thác mủ cao su, thu hút 70 học viên là lao động nông thôn tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo tham gia. Các lớp học này sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 9/2019. Học viên đủ điều kiện, có chứng chỉ sẽ được Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cam kết nhận vào khai thác mủ, trả lương theo sản phẩm. Diện tích cây cao su mỗi năm đưa vào khai thác mủ ngày càng tăng sẽ là cơ hội để thêm nhiều lao động nông thôn có việc làm, tăng thu nhập. Thêm nữa, chu kỳ khai thác mủ cây cao su kéo dài 20 - 30 năm nên nhu cầu thuê nhân công rất lớn. Chính vì vậy, đào tạo nghề khai thác mủ cao su là một trong những hướng giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động trong tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top