Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

09:08 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 11947 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực không chỉ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ hơn 58.906ha, tỷ lệ che phủ toàn huyện đạt 39,4% và điều đặc biệt thuận lợi trong công tác thực hiện chính sách chi trả DVMTR đó là toàn bộ diện tích rừng của huyện nằm trên lưu vực sông Ðà, một phần nằm trong lưu vực suối Nậm Mức, Nậm He.

Người dân huyện Nậm Pồ nhận tiền chi trả DVMTR.

Giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; từ năm 2018 đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ tiến hành 15 cuộc tuyên truyền cho 137 chủ rừng về chính sách chi trả DVMTR và hướng dẫn chủ rừng mở tài khoản qua hệ thống ngân hàng; phát 312 bộ quần áo mưa phục vụ công tác tuần tra bảo vệ cho các chủ rừng. Quỹ đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND các xã hướng dẫn chủ rừng họp bầu Ban Quản lý rừng cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiền chi trả DVMTR cho cộng đồng thôn, bản; làm cơ sở cho UBND xã ra quyết định thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng, mở tài khoản nhận tiền chi trả DVMTR… Qua tuyên truyền, vận động UBND các xã và các chủ rừng đều nhất trí với việc mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Ðến nay, trên địa bàn huyện đã mở 132/137 tài khoản ngân hàng để quỹ chuyển tiền vào tài khoản cho các chủ rừng.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh diện tích rừng biến động và kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn huyện có hơn 49.966ha rừng đủ điều kiện chi trả (chiếm trên 84,8% tổng diện tích rừng của huyện theo quyết định giao đất giao rừng). Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức chi trả gần 59,8 tỷ đồng cho 27 chủ rừng là hộ gia đình, 87 chủ rừng là cộng đồng, 2 chủ rừng là tổ chức.

Pa Tần là xã có diện tích cung ứng DVMTR lớn nhất so với các xã khác trên địa bàn huyện Nậm Pồ với gần 9.566,9ha do 9 chủ rừng là cộng đồng quản lý bảo vệ. Với toàn bộ diện tích trên sau khi nghiệm thu đều đủ điều kiện chi trả, vì vậy năm 2018 các cộng đồng trên đã nhận hơn 11,6 tỷ đồng tiền DVMTR do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả. Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Với số tiền DVMTR các hộ trong xã được nhận là rất lớn và có ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ và giữ rừng, xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn các bản xây dựng hương ước, quy ước gắn quyền lợi nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hướng dẫn chủ rừng quản lý, sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR hợp lý, đảm bảo đúng quy định... Nhờ đó, nguồn tiền DVMTR được bà con sử dụng hợp lý góp phần cải thiện đời sống, tái đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, việc rà soát diện tích rừng đủ điều kiện chi trả còn gặp không ít khó khăn do quá trình giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện một số diện tích còn khoanh vào đất sản xuất nương luân canh của người dân. Vì vậy, bà con không nhất trí khoanh thành rừng nên khó trong quá trình kiểm tra, xác minh ngoài thực địa (xã Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Nậm Tin). Các lô rừng biến động trải rộng trên địa bàn huyện dẫn đến công tác xác định diện tích rừng biến động gặp nhiều khó khăn. Trong khi ý thức của một số cộng đồng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao dẫn đến một số hộ dân thuộc cộng đồng bản Nậm Pồ Con (xã Nà Khoa) lấn chiếm, đốt phá vào diện tích rừng đã được hưởng tiền DVMTR. Chủ rừng bản Nậm Nhừ 2 (xã Nậm Nhừ) đã hưởng tiền chi trả DVMTR từ năm 2011 - 2015, nhưng từ năm 2016 đến nay cộng đồng bản này không đến nhận tiền với lý do muốn bỏ diện tích rừng đã giao để làm nương. Hay tại bản Nộc Cốc 1 (xã Vàng Ðán), một số gia đình muốn đưa diện tích rừng đã giao cho bản quản lý để làm nương với lý do đó là nương luân canh... Ðể nâng cao nhận thức, ý thức giữ rừng cho người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đề nghị UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn cùng các chủ rừng ra thực địa chỉ lại ranh giới rừng đã giao để chủ rừng nắm rõ vị trí khu vực rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân quản lý bảo vệ để được hưởng tiền chi trả DVMTR.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top