Thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế để đảm bảo công bằng, minh bạch

09:46 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 10137 In bài viết

Đây là kiến nghị của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước” do Ủy ban Tài chính Ngân sách-Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức mới đây.

Hơn 50% tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó đã có quy định khoanh tiền thuế nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1-7-2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2020.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hằng năm bên cạnh việc có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập mới, khởi nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thì cũng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ thị trường nhưng chưa được xử lý tiền nợ thuế do không đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Dù cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, song tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31-12-2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu NS là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Có 41.387 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu ngân sách.

Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp NS, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của NNT không còn khả năng nộp NSNN. Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính cho biết thêm: Mục tiêu của của Quốc hội ban hành Nghị quyết về xóa nợ thuế nhằm thể chế hóa chủ trương quan điểm của Quốc hội, Chính phủ đối với pháp luật về quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng, xử lý tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng; xóa nợ đối với khoản nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không có khả năng thu hồi NS do NNT đã phá sản nhưng không thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; NNT ngừng kinh doanh và cơ quan thuế xác minh những trường hợp này không còn khả năng nộp NS, nên việc xóa nợ là cần thiết.

Giải trình rõ hơn về ý nghĩa và sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu rõ 4 lý do chính của việc ban hành Nghị quyết nêu trên.

Thứ nhất, tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật, NNT đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng cơ quan quản lý thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn lực.

Thứ hai, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã qua 3 lần bổ sung sửa đổi, tuy nhiên Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định pháp luật để xử lý nợ thuế đối với NNT đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp NSNN, nên số tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại dây dưa kéo dài.

Thứ ba, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1-7-2020 trở đi, không cho áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2020.

Thứ tư, xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những NNT có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Nên thành lập Hội đồngtư vấn xóa nợ thuế

Thảo luận và cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao ý kiến về sự cần thiết cũng như thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ một số nội dung như: Đề nghị làm rõ tiền thuế nợ và không có khả năng thu hồi. Cần làm rõ thế nào là đối tượng không có khả năng thu hồi nợ thuế? Nếu quy định rõ đối tượng không còn khả năng nộp thuế mới đảm bảo tính thống nhất và công bằng.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận định vấn đề xóa nợ, khoanh nợ là rất lớn, vậy trách nhiệm khi lập hồ sơ thẩm tra, thẩm định như thế nào? Thẩm quyền của cơ quan giám sát ra sao cũng cần được làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội góp ý: Luật 38 không thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, nhưng riêng đối với Nghị quyết này, nên thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế “Vì chúng ta làm một gói với số tiền không nhỏ, do đó, để đảm bảo minh bạch, công khai nên thành lập hội đồng tư vấn và tự giải thể khi nhiệm vụ hoàn thành”, ông Chiểu nói.

Bên cạnh đó ông Chiểu cũng cho rằng cần nêu rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để đảm bảo sự minh bạch. Cần bổ sung xử lý vi phạm cá nhân người có thẩm quyền phải cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm hoàn toàn tán đồng về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết cũng như nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý đủ mạnh đối với người có thẩm quyền xử lý nợ đọng, việc cần thiết phải thành lập hội đồng tư vấn xóa nợ thuế.

Đại biểu cũng đề xuất trong Nghị quyết cần nhấn mạnh thêm về trách nhiệm tuyên truyền vì hiện nay vẫn có luồng suy nghĩ cho rằng xóa nợ là chúng ta mất NS và tại sao lại phát sinh khoản nợ lớn như vậy, có phải do quản lý kém hay không? Cũng từ đó để tuyên truyền rõ sự cần thiết phải có Nghị quyết riêng về xóa nợ này…

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top