Ngân hàng giảm lãi suất cho vay: Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

09:23 - Thứ Ba, 27/08/2019 Lượt xem: 11183 In bài viết

Gần một tháng kể từ khi các ngân hàng lớn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế (từ ngày 1-8), đến nay đã có không ít doanh nghiệp được hưởng lợi. Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngược chiều với "làn sóng" tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là nhằm chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. 

Lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên giảm còn 5,5%/năm, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong ảnh: Phòng Giao dịch Ngân hàng BIDV. Ảnh: Hải Anh

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hiện là thời điểm các ngân hàng nâng lãi suất huy động để chuẩn bị nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay tăng mạnh vào cuối năm. Thông thường, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo. Tuy nhiên, ngược chiều với "làn sóng" tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay ưu đãi, thuộc lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ; doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ…

Tính từ đầu tháng 8-2019, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết: "Mức 5,5%/năm là lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng đã chủ động kế hoạch tài chính và kế hoạch kinh doanh của năm. Việc giảm lãi suất được triển khai trên phạm vi rộng, với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Vietcombank".

Cũng theo ông Nghiêm Xuân Thành, việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay có thể khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm, nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ước tính chỉ riêng tại Vietcombank, chi phí vay vốn của doanh nghiệp có thể giảm khoảng 400 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, ông Lê Đức Thọ khẳng định: "Tính thực chất của giảm lãi suất nằm ở mục tiêu chung của các ngân hàng, mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã định hướng, là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP những tháng cuối năm 2019. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thúc đẩy, kinh tế tăng trưởng tốt, các ngân hàng cũng hưởng lợi".

 Cùng với giảm lãi suất, VietinBank còn xây dựng các chương trình cụ thể khi cho vay. Ông Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank đặc biệt quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như các mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, thương mại, xuất khẩu... Một mô hình nữa mà VietinBank ưu tiên giảm lãi suất cho vay là các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bởi, kích thích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ tạo thêm sự minh bạch, khả năng nắm bắt tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bài bản hơn...

Áp dụng lãi suất hợp lý

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực được ưu tiên vay vốn lãi suất ưu đãi. Ảnh: Bá Hoạt

Mặc dù lãi suất không được điều chỉnh giảm với toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, mà chỉ chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, song nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi khá lớn. Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Công ty Eliss cho biết: "Chúng tôi vừa được vay một khoản từ ngân hàng với lãi suất khá ưu đãi, thấp hơn nhiều so với trước. Với nguồn vốn vay này, công ty có điều kiện để thực hiện dự án đã ký với một số đối tác nước ngoài. Nếu các ngân hàng thường xuyên có những chương trình ưu đãi vay vốn cho doanh nghiệp như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp".  

Ông Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Thọ Trần cho rằng: "Việc ngân hàng giảm lãi suất và đưa ra các gói vay ưu đãi là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp đang tăng cao. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay chỉ áp dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cộng thêm doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện xét duyệt của các ngân hàng như hiệu quả lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng…, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận vốn vay một cách thuận lợi".

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt (giảng viên Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cho rằng: "Trong bối cảnh các ngành nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định… thì việc giảm lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là rất cần thiết. Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn cũng như trước diễn biến tiền đồng có xu hướng tăng giá, việc giảm lãi suất để hỗ trợ cho vay xuất khẩu cũng là lựa chọn phù hợp".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Các tổ chức tín dụng có thể tự cân đối để đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm an toàn tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn".

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top