Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Chưa kịp với yêu cầu phát triển

08:50 - Thứ Tư, 28/08/2019 Lượt xem: 11094 In bài viết

Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động khoa học cũng như ứng dụng công nghệ trong ngành Nông nghiệp vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra từ thực tế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng sức ép và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu hóa.

Kiểm tra nhân cấy mô hoa lan giống tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng).  Ảnh: Bá Hoạt

Hiệu quả đã rõ, nhưng còn bất cập

Từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay, nông sản của Việt Nam có mặt ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thực tế cho thấy, khoa học công nghệ đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP. Năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện do nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Và, có thể nói, từ khâu giống, quy trình canh tác đến chế biến, bảo quản... đều có dấu ấn của khoa học công nghệ. Đơn cử như cây thanh long, từ việc nghiên cứu, cải tạo giống đã cho năng suất 40-50 tấn/ha, tăng hơn 74% so với giống cũ, tạo ra lợi nhuận cho nông nghiệp khoảng 13.000 tỷ đồng/năm...

Tuy nhiên, mới đây tại hội thảo về đổi mới hoạt động khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã thẳng thắn nhận định: Hoạt động khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trước bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và hội nhập quốc tế. Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Nam (Sancopack) nêu ví dụ: Một trong những nguyên nhân khiến nông sản bị thất thoát sau thu hoạch ở mức cao 20-30%, gây lãng phí là do việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến còn yếu.

Ở điểm nhìn khác của một doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho biết: Đơn vị đang ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật Bản trong chăn nuôi nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên mới chỉ đầu tư được một phần các trang trại, chưa kể, chi phí của doanh nghiệp cho việc đào tạo nông dân kỹ năng vận hành máy móc, công nghệ mới... Như vậy, nguồn vốn cho ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng là cả vấn đề.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khoa học công nghệ trong ngành Nông nghiệp chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: Cơ sở trang thiết bị ở nhiều đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp còn lạc hậu; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất; nguồn kinh phí dành cho khoa học công nghệ của Nhà nước còn thấp so với yêu cầu, trong khi việc xã hội hóa nguồn vốn cho lĩnh vực này rất hạn chế; thiếu liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với tổ chức chuyển giao, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp…

Huy động các nguồn lực, phát huy vai trò "đòn bẩy" 

Để khoa học công nghệ phát huy vai trò “đòn bẩy” với nông nghiệp, đồng thời tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho nghiên cứu, ứng dụng, các nhà khoa học đã nhiều lần đề nghị thành lập một quỹ đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, có cơ chế trích một phần nhỏ giá trị nông sản xuất khẩu tái đầu tư cho khoa học công nghệ. Chẳng hạn dành 1 USD/tấn gạo xuất khẩu cho công tác nghiên cứu về lúa gạo từ giống, công nghệ chế biến và bảo quản...

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt

Từ thực tế sản xuất kinh doanh, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng: Bên cạnh các chính sách khuyến khích, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì các đơn vị nghiên cứu cần đổi mới phương thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến doanh nghiệp và nông dân. Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp khi gặp rủi ro về vấn đề bản quyền nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu hóa, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dẫn dắt nông dân sản xuất. Vì vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp. Cùng với đó là tạo điều kiện về thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia chương trình, dự án hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đã rõ, những giải pháp cũng đã được đưa ra và thực tế đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công từ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Một điều cần lưu ý là: Việc phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải gắn với người nông dân. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu cũng như doanh nghiệp cần chủ động chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Đồng thời gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp và dịch vụ…

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long kiến nghị, các đơn vị khoa học nên bố trí nguồn lực tương xứng để nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, vi sinh, vật liệu mới trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch... để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an toàn thực phẩm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top