Mở hướng thoát nghèo từ cây sa nhân tím

08:31 - Thứ Ba, 03/09/2019 Lượt xem: 10981 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây cùng với đẩy mạnh phát triển các cây nông nghiệp chủ lực như: Lúa nương, ngô... người dân ở huyện Mường Nhé đã và đang mở rộng diện tích trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Người dân xã Sín Thầu trồng cây sa nhân.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Nhận thấy sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân lại có giá trị kinh tế cao do vậy những năm gần đây, Phòng đã chủ động hướng dẫn người dân phát triển diện tích. Toàn huyện hiện có 107,41ha trồng cây sa nhân; chủ yếu phân bố ở các xã: Sín Thầu (49ha), Chung Chải (8,4ha), Nậm Kè (26,18ha), Pá Mỳ (12,15ha)... Hiện quả sa nhân tím có giá khoảng 500 nghìn đồng/kg khô, còn sa nhân đỏ chỉ từ 150 - 200 nghìn đồng/kg.

Cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Cũng theo ông Trần Trung Kiên: Chu kỳ phát triển của cây sa nhân tím là ra hoa từ tháng 4 - 5, kết quả trong tháng 6 và đến đầu tháng 8 thì thu hoạch. Ðể giúp cây sinh trưởng tốt, bà con cần làm cỏ từ 2 - 3 lần/năm; lần đầu làm cỏ trước lúc ra hoa, dọn sạch cỏ dại, giúp cho cây có đủ khoảng trống tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa, đậu quả. Làm cỏ lần 2 vào lúc đã hái quả, làm sạch cỏ dại và tỉa bỏ các cây già, vun đất, giữ cho đất ẩm, giảm bớt sự bốc hơi nước; lúc làm cỏ nên chú ý không làm tổn thương cây. Chú ý phải dọn sạch cỏ gianh trong khu vực quản lý, chăm sóc cây, vì cỏ tranh sẽ làm sa nhân chết hàng loạt. Hiện nay, phần lớn sản lượng sa nhân tím đều được thu hái trong tự nhiên; nhưng đa số bà con vẫn chưa nắm được kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Do vậy, chất lượng dược liệu và giá trị kinh tế bị giảm đáng kể; việc thu hoạch sa nhân phải được tiến hành nhanh và đúng lúc.

Là một trong những hộ tiên phong trồng thử nghiệm cây sa nhân tím tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, ông Lỳ Xuyến Phù chia sẻ: “Những năm gần đây, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và tận dụng lợi thế tiềm năng đất rừng, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây sa nhân tím dưới tán rừng với diện tích hơn 2ha. Ðến nay, nhờ chăm sóc tốt và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên cây sinh trưởng, phát triển ổn định; tốn ít chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ riêng gia đình ông Lỳ Xuyến Phù, trên địa bàn xã Sín Thầu đến nay đã có 70 hộ trồng cây sa nhân tím với tổng diện tích trên 49ha.

Với hướng đi mới trong phát triển cây sa nhân ở huyện Mường Nhé, hi vọng cây cây trồng này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sinh kế bền lâu cho người dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top