Thơm hương xứ Mường

08:39 - Thứ Năm, 05/09/2019 Lượt xem: 13129 In bài viết

ĐBP - Gọn giữa bốn bề núi non nhấp nhô, trùng điệp ấy là những cánh đồng màu mỡ, với bờ xôi ruộng mật, mùa màng tốt tươi. Cánh đồng ấy cho ra thứ sản vật của vùng - những hạt gạo trắng mẩy thơm ngon nức tiếng xa, gần. Ðể mỗi người Ðiện Biên đi xa ai cũng nhớ và mỗi du khách đến đây chả thể nào quên - hương vị gạo Mường Thanh... 

Nông dân huyện Ðiện Biên thu hoạch vụ lúa mới.

Ðược mệnh danh là cánh đồng phì nhiêu, rộng nhất ở vùng Tây Bắc, lớn hơn cả Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La) đã khẳng định quy mô, vị thế của vựa lúa Mường Thanh. Cả vùng lòng chảo trải dài hơn 20km với bề rộng chừng 5 - 6km, từ trên cao nhìn xuống mênh mang tầm mắt là một vùng đồng bằng được bao quanh bởi viền núi. Ðịa thế vùng lòng chảo Mường Thanh và khu vực xung quanh cũng rất đặc biệt. Khoảng giữa là dải đất phẳng, rộng chạy dài, lúp xúp những quả đồi không quá cao, tựa như bát úp. Bao quanh rìa lòng chảo là vành núi nhấp nhô. Ở đây khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Giữa các mùa lại có 2 tháng chuyển tiếp là tháng 4 và tháng 10. Do đó độ ẩm tương đối lớn, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nhiều. Có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù như thế nên bất cứ giống lúa nào được gieo cấy ở đây đều có vị thơm dẻo, đậm đà hơn hẳn những nơi khác.

Mới chớm đầu sáng nhưng ánh nắng đã rải xuống cả lòng thung như thể thiên nhiên đang rót mật. Tầm sáng sớm hoặc cuối chiều, ai đi trên những con đường dẫn vào các thôn, bản cũng thấy những hàng nón trắng, những tấm lưng khong khong lúi húi nhặt cỏ. Chưa ai lý giải được chính xác vì sao gạo Mường Thanh lại có vị thơm ngon đặc trưng như thế dù giống lúa không có sự khác biệt nhiều so với những vùng khác. Còn người Ðiện Biên thì cho rằng, vì cánh đồng màu mỡ được tưới mát bởi dòng Nậm Rốm trong lành, uốn lượn trong lòng chảo cần mẫn ngày đêm mang phù sa bồi tụ cho đôi bờ. Giữa đồng lúa tươi xanh là con sông Nậm Rốm chỗ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chỗ lại chạy dài thoai thoải. Ðồng bào dân tộc sinh sống lâu năm ở đây vẫn ví dòng Nậm Rốm như con rồng nằm giữa phun nước nên lúa Mường Thanh mới xanh như thế. Tinh túy của đất trời hội tụ trong từng thớ đất, từng giọt sương ngày đêm tưới mát cho cả cánh đồng. Rồi sau giải phóng Ðiện Biên 10 năm thì công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm được đầu tư xây dựng với mục tiêu lấy nước biến lòng chảo Mường Thanh thành cánh đồng màu mỡ ở vùng Tây Bắc. Chỉ trong gần 7 năm, hơn 2.000 thanh niên từ các tỉnh miền xuôi xung phong lên Ðiện Biên với những dụng cụ thô sơ nhưng tràn đầy sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã lội bùn, gánh đất, phá đá, đắp đập tạo nên con kênh với hệ thống kênh tả, kênh hữu dài hàng chục ki lô mét, ôm trọn cả vùng lòng chảo. Hồ chứa nước Pa Khoang đầu nguồn của Ðại thủy nông Nậm Rốm đi vào hoạt động đã góp phần mở rộng diện tích gieo cấy của cánh đồng Mường Thanh gấp ba, gấp bốn lần so với trước đây. Ngày dẫn nước về, nông dân Mường Thanh và các thanh niên xung phong vui sướng ôm nhau reo hò trong niềm hạnh phúc vô bờ mà không ngăn nổi những giọt nước mắt vì từ đây đồng đất Mường Thanh đã sang trang mới, từ 1 vụ thì nay bà con đã có thể gieo cấy 2 vụ/năm và trồng xen canh cây vụ Ðông, điều đó cũng đồng nghĩa với sự đổi đời của hàng nghìn gia đình nông dân. 

Ở vựa lúa Mường Thanh có một cánh đồng rất nổi tiếng là cánh đồng Tiền Phong. Ðây là tên gọi từ ngày xưa gắn với thời Hợp tác xã Tiền Phong ở thị trấn Ðiện Biên cũ với 3 xóm xã viên sống quanh đấy. Mỗi mùa vụ lúa Tiền Phong tốt bời bời. Kể cả có năm trời khô dài cũng không lo thiếu nước vì có dòng suối Hồng Líu chảy quanh. Từ thời kỳ những năm 1977, 1978 đồng ruộng Tiền Phong đã thu hoạch rất khá, đạt tới gần 4 tấn trên một héc ta. Ðến ngày mùa khu vực sân phơi của hợp tác xã không đủ để phơi lúa. Tiếng đập lúa, tiếng xe trâu trở những xe lúa đầy ự từ ngoài đồng về, rồi tiếng người í ới giục nhau, hối hả phơi thóc cho được nắng. Bao năm qua, dù giờ đây Hợp tác xã Tiền Phong không còn nhưng đồng ruộng Tiền Phong vẫn giữ được “phong độ” như thế, năng suất đạt trung bình hơn 6 tấn mỗi héc ta, vụ nào bội thu thì cũng xấp xỉ 7 tấn.

Dù gieo ở bất cứ cánh đồng nào trong lòng chảo Mường Thanh thì gạo Ðiện Biên cũng luôn có vị ngọt thơm dẻo đặc biệt. Nhất là giống Tám thơm hạt nhỏ màu trắng đục chứ không trắng trong như gạo tám ở những nơi khác, hạt dài đều tăm tắp, căng bóng, nấu lên ngọt, đổ nhiều nhựa. Ðiều đặc biệt là gạo Ðiện Biên có mùi thơm thoảng nhẹ kể cả khi chưa được nấu chín. Bao năm trôi qua nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ tết xưa trong cái xóm nhỏ ở đầu Hợp tác xã Tiền Phong đó. Những cái tết đơn sơ với buổi sáng mùng một hương gạo Tám thơm lừng tỏa lan khắp xóm. Một nhà nấu thì những nhà khác trong xóm cũng đều ngửi thấy hương thơm. Cái ngày mới qua thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn đó, gạo Tám thơm còn là thứ gạo đắt đỏ với chính cả người dân Ðiện Biên giá trung bình 6.000 đồng/kg, và chỉ giành ăn trong những ngày thật đặc biệt như lễ tết, hay khi có đám hỏi, đám giỗ. Ngày ấy giống lúa được gieo cấy nhiều nhất là Bao thai hoặc 203, còn gạo Tám thơm chưa được cấy nhiều như bây giờ. Vì thế nếu ai có muốn mua cả tạ gạo ngoài chợ cũng khó, chỉ vào các đại lý hoặc máy xát mới có. Còn ngoài chợ bà con thường chỉ bán ít một.

Cữ này đang đầu tháng 8 âm, những trà lúa sớm bông đã sắp chín vàng nặng trĩu bờ thửa. Năm nay thời tiết thuận lợi lúa Mường Thanh hứa hẹn được mùa. Dọc tuyến đường từ trung tâm thành phố xuống huyện Ðiện Biên, qua những dãy phố đông đúc, những thôn, bản là thấp thoáng những vạt lúa xanh, vàng trải dài đến tận chân núi, đồi.

Claire Pirot cô gái người Pháp có dáng người mảnh mai tôi mới quen trong chuyến đi Mộc Châu vừa rồi tỏ ra vô cùng thích thú khi tôi rủ lên Ðiện Biên chơi. Ðang theo học chuyên ngành nông nghiệp tại một trường Ðại học bên Pháp, mỗi mùa hè đến Claire lại đặt mục tiêu cho mình là những chuyến đi đến những vùng đất mới. Ðiều không khỏi khiến tôi ngạc nhiên khi Claire nói dù mới lên Ðiện Biên lần đầu, song cô đã từng được thưởng thức gạo Ðiện Biên trong chuyến du lịch Thái Lan cách đây 6 năm. Khi cô và nhóm bạn hỏi về loại gạo thơm dẻo trong bữa cơm đãi khách, ông chủ nhà người Thái Lan đã giới thiệu là nếp nương Ðiện Biên do một người bạn là Việt kiều ở Chiang Mai tặng sau chuyến về thăm quê.

Có chất đất đặc biệt, phù hợp trồng các loại gạo nên đã có không ít giống lúa mới đã được đưa vào thử nghiệm ở vùng lòng chảo này. Ðầu tiên phải kể đến là IR64, giống lúa lai tẻ thuần được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa lên thử nghiệm từ giữa thập niên 80. Song ngay từ vụ đầu thử nghiệm trên đất Mường Thanh, IR64 đã cho thấy đặc tính phù hợp với đồng đất nơi đây, cho ra loại gạo dẻo, ngon, vị ngọt đậm đà lại có hương thơm nhẹ. Hiện nay, gạo Ðiện Biên nổi tiếng nhất với các giống như Tám thơm, Séng cù và nếp nương. Xác định sản xuất lúa gạo là trọng điểm của tỉnh nên Ðiện Biên chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, đưa cơ giới hóa vào thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng, như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất... Ngành nông nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm đưa vào gieo cấy các giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có năng suất, chất lượng giá trị kinh tế cao. Nhờ đồng đất màu mỡ nông dân Ðiện Biên đã có cuộc sống ổn định, nhiều doanh nghiệp của tỉnh cũng mạnh dạn tiên quyết đầu tư sản xuất lúa gạo chất lượng cao hoặc tham gia theo hình thức liên kết chuỗi sản xuất.

Du khách phương xa lên đây thật khó quên lòng mến khách của người Ðiện Biên cũng như hương vị thơm dẻo quyện của gạo Mường Thanh. Và trong hành lý mang theo không thể thiếu một món quà ấy là đặc sản gạo trứ danh của Ðiện Biên đem về tặng anh em họ hàng và bạn bè. Người ít thì 5 - 10kg, còn khách nào đi ô tô riêng thì lấy về cả tạ. Giới tiểu thương buôn bán gạo ở Ðiện Biên vẫn nói với nhau rằng, sướng nhất là mùa thu hoạch, nhì là mùa du lịch, vì du khách lên đây tham quan hầu như ai cũng mua gạo tẻ Ðiện Biên, nếp Ðiện Biên về làm quà.

Tạm biệt tôi, tạm biệt Ðiện Biên, cô bạn Claire lên chuyến bay về Nội Bài lúc quá trưa rồi gối chuyến về Pháp. Chia tay Claire, tôi không quên tặng người bạn phương xa đặc sản của quê hương mình với mong muốn rằng, những hạt gạo Tám thơm, gạo nếp nương của Ðiện Biên sẽ đi khắp muôn nơi, được nhiều người bạn quốc tế biết đến hơn nữa. Và để thêm nhiều người nữa biết rằng, ở cái lòng thung bé nhỏ giữa bốn bề núi non xanh ngắt gió ngàn kia có một thứ tinh túy của đất trời, ấy là gạo Mường Thanh -  niềm tự hào của người dân Ðiện Biên...

Bài, ảnh: Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top