Cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi

08:46 - Thứ Sáu, 06/09/2019 Lượt xem: 12072 In bài viết

Mặc dù thời gian qua, ngành chuyên môn, chính quyền các cấp đã chú trọng công tác phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng song dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ðến ngày 28/8, toàn tỉnh có 19 xã, phường qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới hoặc đã công bố hết dịch lại tái phát dịch.

Lực lượng chức năng xác minh, tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi tại xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên) tái phát sau khi đã qua 30 ngày.

Xuất hiện tại địa bàn tỉnh ta từ tháng 3/2019, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 96 xã, phường thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố với 579 thôn, bản, gần 3.600 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy là 14.935 con, tổng trọng lượng hơn 650.000kg.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Qua theo dõi diễn biến, tình hình dịch tả lợn châu Phi từ đầu tháng 8 đến nay có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các huyện: Ðiện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ. Số lượng lợn tiêu hủy tăng so với những tháng trước. Cụ thể, theo biểu đồ diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, tính chu kỳ 7 ngày từ ngày 20 - 27/5 (dịp cao điểm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh), toàn tỉnh tiêu hủy khoảng 1.200 con lợn mắc bệnh/chu kỳ. Ðến chu kỳ từ ngày 19 - 26/8, số lợn tiêu hủy khoảng 1.400 con (tăng 200 con so với chu kỳ cao điểm của dịch bệnh). Trung bình, trước đây một ngày toàn tỉnh tiêu hủy khoảng 100 con lợn mắc bệnh thì hiện nay con số đó là khoảng 150 con. Nguyên nhân việc tái phát dịch bệnh, trước hết do đặc điểm dịch tễ học phức tạp của bệnh, mầm mống bệnh phát tán trong không khí, trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên rất khó kiểm soát mầm bệnh. Bên cạnh đó, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, lấy thức ăn từ nhiều nguồn cũng là nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan ra các xã, thôn, bản chưa có dịch; nhất là những địa bàn có mật độ nuôi lợn cao như huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ; cũng không loại trừ các khu vực phát sinh dịch sau như các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành Nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong đó tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp chính quyền cơ sở tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Không lơ là, chủ quan, nhất là đối với các xã chưa có dịch; các xã có dịch nhưng đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới và các xã đã công bố hết dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi lợn thực hiện một số biện pháp an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu hộ chăn nuôi lợn không tái đàn khi trên địa bàn xã chưa công bố hết dịch. Trường hợp xã đã công bố hết dịch cần cân nhắc kỹ thời điểm tái đàn và không thực hiện ồ ạt mà chỉ nuôi với số lượng 10% tổng số lợn có thể nuôi; sau khi tái đàn 30 ngày, cần kiểm tra, giám sát, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì mới tiếp tục tăng đàn lợn. Bên cạnh đó, UBND các xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với lợn khỏe mạnh còn lại của hộ dân trước đây có lợn mắc bệnh, lợn chết; yêu cầu các chủ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không bán chạy lợn ốm, vứt lợn chết ra môi trường. Kịp thời báo các cơ quan chức năng khi phát diện lợn có dấu hiệu bệnh tả lợn châu Phi hoặc bị ốm bất thường; tuân thủ các biện pháp cách ly giữa lợn khỏe mạnh với môi trường có dịch bệnh để hạn chế thấp nhất hậu quả dịch bệnh lây lan.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top