Phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa

08:47 - Thứ Sáu, 06/09/2019 Lượt xem: 14128 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 2.671ha cây ăn quả (tăng 578,5ha so với năm 2017); trong đó: Diện tích đã cho thu hoạch là 1.979,1ha; diện tích trồng tập trung 704,2ha (chiếm 26,4%); diện tích trồng phân tán (chiếm 73,6%); sản lượng năm 2018 ước đạt 19.573,8 tấn. Diện tích cây ăn quả tập trung tại các huyện: Ðiện Biên 1.228,8ha; Tuần Giáo (289ha); Mường Chà (255,9ha); Ðiện Biên Ðông (232,3ha); Mường Ảng (189,9ha); TP. Ðiện Biên Phủ (169ha); Mường Nhé (151,6ha); Nậm Pồ 131,2ha với một số loại cây chủ yếu: Cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, dứa, vải. Ngoài ra, thời gian gần đây, cây chanh leo đang được người dân tích cực mở rộng diện tích. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 66,2ha cây chanh leo trồng tập trung tại 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng.

Cây ăn quả được người dân trồng từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu trồng phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung, chưa mang tính hàng hóa cao, sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, được sử dụng dưới dạng quả tươi chưa qua chế biến... Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến hoa quả. Do đó, giá trị kinh tế còn hạn chế.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn tới. Hiện nay, tỉnh đang có nhiều chính sách để khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây ăn quả; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng cây ăn quả, kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hoa quả phát triển vùng nguyên liệu tại Ðiện Biên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở lợi thế của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trọng điểm, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển cây ăn quả theo hướng liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2982/KH-UBND, trong đó định hướng tập trung phát triển một số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn. Cụ thể, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đạt 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Ðiện Biên (100ha), Mường Ảng (300ha), Tuần Giáo (100ha) và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: Bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Ðiện Biên. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao. Năm 2019, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 643ha, trong đó chuyển sang trồng cây ăn quả 332ha, tập trung tại các huyện như: Mường Ảng, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông. Năm 2020, dự kiến chuyển đổi thêm 321ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Ðể phát triển cây ăn quả 1 cách bền vững, song song với việc mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tỉnh ta chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tiến hành khảo sát và dự kiến đến năm 2021 phát triển khoảng 1.000ha cây chanh leo tại Ðiện Biên, tập trung tại địa bàn 3 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và Ðiện Biên với mô hình cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu, triển khai các dự án sản xuất vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cây ăn quả. Ðẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đăng ký sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh.

Huyện Ðiện Biên có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh với 1.228,8ha. Hiện nay, phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, huyện đang triển khai phát triển vùng cây vú sữa tập trung tại xã Thanh Hưng và Thanh Luông với tổng diện tích trồng mới năm 2019 là 20ha. Ðồng thời chỉ đạo triển khai phát triển cây ăn quả chủ lực theo lợi thế từng vùng như: Lê ghép tại xã Pá Khoang, Mường Phăng (diện tích 23,05ha); thanh long tại xã Noong Luống, Thanh Xương (5ha); bưởi da xanh tại các xã vùng lòng chảo (45ha); cam ở xã Mường Nhà, Na Tông (30ha). Chiến lược phát triển cây ăn quả của huyện gắn với thực hiện Chương trình OCOP.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top