Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ở Sơn La, Lai Châu

08:59 - Thứ Năm, 12/09/2019 Lượt xem: 12554 In bài viết

ĐBP - Cùng xuất phát điểm là khu vực miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn... nhưng những năm gần đây, các tỉnh: Sơn La, Lai Châu đã có những định hướng và bước tiến cụ thể trong phát huy thế mạnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế.

Nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn La

Những năm qua, từ một nền kinh tế nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Ðặc biệt là chính sách khuyến khích thành lập hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến tham gia vào thị trường trong nước và đưa nông sản Sơn La vươn ra thị trường thế giới.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Ðánh giá về công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ. Tỉnh đang trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư. Ðề nghị tỉnh Sơn La cần phải thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư, đây là điểm mấu chốt mang tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng thương hiệu địa phương về những sự khác biệt mang tính cạnh tranh. Cùng với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Sơn La đã năng động tìm ra hướng đi, cách làm mới hiệu quả và có sự chuyển mình đáng ghi nhận, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, tạo ra làn sóng mới hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, nhiều nhà đầu tư bước đầu có sự thành công tại Sơn La, như: VinGroup, TH, Mường Thanh, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam...

Ðến thời điểm này, với những tiềm năng, thế mạnh và chủ trương, chính sách chính xác trong công tác thu hút đầu tư, hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản được triển khai tích cực. Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 62 nghìn héc ta cây ăn quả. Tỉnh đã kêu gọi, liên kết xuất khẩu 16 loại sản phẩm  nông sản đến 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới... Có thể thấy, chưa bao giờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Sơn La lại sôi động như hiện nay. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018 của Sơn La đạt 115 triệu USD; trong đó, xuất khẩu 17.500 tấn quả các loại vào thị trường 12 nước, tăng 14,7 lần so với năm 2017, chiếm 98,5% (tăng 1,69 lần so với năm 2017). Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như xoài 3.500 tấn (giá trị 1,75 triệu USD) sang thị trường Australia, Trung Quốc, Nhật Bản...; nhãn tươi 5.035 tấn (giá trị ước đạt 11,42 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ…; chanh leo khoảng 1.700 tấn (giá trị đạt 1,938 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan...

Lai Châu khuyến khích đầu tư, sản xuất theo vùng quy hoạch

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, rừng, mặt nước, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo từng vùng đã quy hoạch. Theo đó, tỉnh vận dụng các nguồn lực của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các vùng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…

Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tỉnh khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phát triển các thành phần kinh tế,  các loại hình doanh nghiệp. Ðẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết hợp tác, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp. Từ đó, tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà nòng cốt là hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên thị trường.

Cụ thể, tại huyện Tam Ðường, với lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu và gần với điểm du lịch Sa Pa (Lào Cai) nên tỉnh Lai Châu đã tập trung đầu tư phát triển du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp kết hợp với người dân trồng, phát triển chè chất lượng cao. Huyện Than Uyên có lợi thế về đất đai, tài nguyên và vị trí nằm quốc lộ 32, 279 với cánh đồng Mường Than rộng lớn, tiềm năng phát triển thủy điện, du lịch… ưu tiên sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng mặt hồ thủy điện, chăn nuôi gia súc. Ðến nay, huyện Than Uyên đã hình thành 5 vùng kinh tế trọng điểm, đời sống của người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo huyện giảm còn 16,43%.

Ðối với vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Ðà, tỉnh Lai Châu tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân vùng tái định cư công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu. Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hệ thống giao thông liên vùng, đường đến trung tâm xã.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang ưu tiên phát triển vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ với việc phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu. Tỉnh  đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng huyện Sìn Hồ, công nhận điểm du lịch núi đá Ô Tả Phìn, động Quan Âm; nâng cấp, tôn tạo khu danh lam thắng cảnh núi đá Ô, xây dựng tuyến đường hạ tầng du lịch thị trấn Sìn Hồ... Toàn vùng có 13 cơ sở lưu trú với trên 70 phòng nghỉ; diện tích trồng cây dược liệu toàn vùng ở huyện Sìn Hồ là 485ha.

Với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế vùng, đến nay, kinh tế của tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 15,68%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,72 lần so với năm 2015).

Phạm Dương (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top