Ðừng để mất niềm tin của người dân

08:48 - Thứ Sáu, 13/09/2019 Lượt xem: 12014 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã vận động nhân dân, các tổ chức trồng mới 334ha rừng tập trung; chăm sóc 1.095ha rừng… Tuy nhiên đến nay người dân tham gia nhận khoán trồng rừng năm 2018 và chăm sóc rừng chuyển tiếp từ các năm trước vẫn chưa nhận được tiền công.

Người dân xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) chăm sóc, bảo vệ rừng.

Thực hiện Quyết định 886/QÐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và sự ủng hộ của người dân, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã trồng mới 334ha rừng tập trung; khoanh nuôi tái sinh 12.455ha; chăm sóc 1.095ha rừng và trồng 1.832 cây phân tán. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ; ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng được nâng lên; số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm qua các năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 38,5% năm 2015 lên 39,75% năm 2018.

Công sức của người dân đã góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh thời gian qua. Thế nhưng, đến nay tiền công giao nhận khoán trồng và chăm sóc rừng theo quy định, người dân vẫn chưa được nhận. Tại báo cáo 232/BC-UBND ngày 6/8/2019 của UBND tỉnh về rà soát các dự án Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến danh mục giai đoạn 2021 - 2025, nêu rõ: “Kinh phí để các địa phương, đơn vị thanh toán tiền công cho các hộ dân nhận khoán trồng rừng phòng hộ năm 2018 và chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp từ các năm trước (từ năm 2016) vẫn chưa được bố trí, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đã thực hiện trồng rừng”.

Năm 2018, chỉ tiêu toàn tỉnh trồng 400ha rừng phòng hộ. Kết thúc mùa trồng rừng, toàn tỉnh thực hiện trồng được 131,8ha tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Ðiện Biên nhưng đến nay các đơn vị, địa phương vẫn chưa được cấp kinh phí để thanh toán cho người trồng rừng. Bên cạnh đó, công chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp từ năm 2016 - 2018 người dân cũng chưa nhận được tiền. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chăm sóc 1.095ha rừng; trong đó, năm 2016 là 310ha, năm 2017 là 372ha và năm 2018 đạt 411ha. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng người trồng rừng tập trung đông người đến UBND xã đòi quyền lợi. Ðiển hình, trước Tết Nguyên đán 2018, một số hộ dân trồng rừng năm 2018 tại bản Tin Tốc, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) đã tập trung đến trụ sở UBND xã Mường Tùng yêu cầu chi trả tiền công trồng rừng năm 2018. Ðể tránh sự việc thêm phức tạp, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã giải thích cho các hộ dân và hứa thanh toán tiền công trong quý I/2019. Tuy nhiên, đến hết quý I, khi đơn vị chưa được cấp vốn để thanh toán, một số hộ dân tiếp tục yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phải thanh toán ngay. Cực chẳng đã, ngày 9/4/2019 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã phải vay tiền của một số cá nhân trong đơn vị (30 triệu đồng) để tạm ứng một phần tiền nhân công cho các hộ dân.

Theo bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì nguyên nhân do nguồn vốn triển khai thực hiện chương trình không đáp ứng nhu cầu. Tổng số vốn do Trung ương bố trí trong cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hơn 42 tỷ đồng. Riêng năm 2018, số vốn Trung ương phân bổ chỉ đủ thực hiện chăm sóc rừng chuyển tiếp và trồng rừng thay thế các công trình công cộng (hơn 3,3 tỷ đồng), không có vốn bố trí trồng rừng phòng hộ. Trong khi theo quy định, các địa phương, đơn vị phải tổ chức thanh toán cho các hộ dân trồng rừng ngay sau khi có kết quả nghiệm thu (vào cuối năm trồng rừng). Hiện nay, tiền trồng rừng năm 2018 và chăm sóc bảo vệ rừng chuyển tiếp từ năm 2016 còn nợ người dân khoảng 7,7 tỷ đồng; trong đó hơn 3,7 tỷ đồng thanh toán khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2018 và 4,096 tỷ đồng thanh toán công chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp từ các năm trước.

Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong tháng 5/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản 947/SNN-LN đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí thanh toán khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2018 và chăm sóc rừng chuyển tiếp. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tạm ứng từ ngân sách tỉnh để bố trí vốn cho các địa phương thanh toán tiền công cho người trồng và chăm sóc rừng. Khi Trung ương bổ sung vốn sẽ bố trí hoàn ứng cho ngân sách tỉnh, trường hợp Trung ương không bổ sung vốn sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí tỉnh hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa được bố trí. Gần đây nhất, ngày 19/7/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tổ chức họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Việc chậm thanh toán tiền công cho người trồng và chăm sóc rừng đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy. Không chỉ dẫn đến việc tụ tập đông người như ở bản Tin Tốc, xã Mường Tùng mà còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch, chỉ tiêu trồng và chăm sóc rừng hàng năm. Ðiển hình, năm 2019 toàn tỉnh được giao trồng mới 120ha rừng phòng hộ song đến nay các huyện được giao chỉ tiêu mới tổ chức khảo sát, đo đạc thiết kế mà chưa trồng được diện tích nào, một phần nguyên nhân do người dân không đăng ký. Mục tiêu của của tỉnh là tăng tỷ lệ độ che phủ rừng bình quân hàng năm 0,7%/năm; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45% và 48% năm 2030. Song với việc thiếu kinh phí như hiện nay, sẽ rất khó hoàn thành.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top