Cần giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa phá rừng ở Mường Chà

08:48 - Thứ Hai, 16/09/2019 Lượt xem: 11023 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, rừng trên địa bàn huyện Mường Chà liên tiếp bị xâm hại do tình trạng phá rừng làm nương của người dân. Các vụ phá rừng làm nương bị phát hiện chủ yếu do người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, gia cảnh khó khăn. Các hình thức xử phạt hành chính như nộp tiền hay buộc trồng lại rừng thay thế diện tích rừng đã bị phá đều gặp khó.

Kiểm lâm địa bàn phối hợp với cán bộ xã Pa Ham kiểm tra rừng trên địa bàn xã.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, trong năm 2018 và từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã phát hiện 58 vụ vi phạm lâm luật, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 50 vụ (8 vụ không xác minh được người vi phạm) với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này các đối tượng bị xử phạt mới nộp được 281,151 triệu đồng. Số tiền phạt còn lại chưa biết thu cách nào, bởi các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên việc đôn đốc, vận động các đối tượng chấp hành nộp tiền phạt rất khó khăn. Ða số đối tượng vi phạm chây ì, không chấp hành; một số thuộc hộ nghèo, không có tài sản có giá trị để cưỡng chế nộp đủ số tiền phạt theo quy định. Trước tình trạng đó, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức thống kê tài sản cùng thời điểm ra quyết định xử phạt để bảo đảm thi hành xử phạt. Song cách làm này mới chỉ đạt kết quả đối với số ít đối tượng, còn hầu hết thực tế gia cảnh của người vi phạm đều khó khăn, không thể nộp phạt. Ðơn cử như trường hợp ông Giàng A Phồng ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng từ năm 2018, nhưng đến nay mới chỉ nộp được 500 nghìn đồng; ông Cháng A Lử cũng ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn có hành vi phá rừng trái pháp luật tại rừng bản Nậm Bó do xã Na Sang quản lý bảo vệ bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nộp phạt. 

Không chỉ khó trong xử phạt vi phạm bằng nộp tiền, đối với hình thức xử phạt bằng cách buộc trồng lại rừng thay thế diện tích rừng đã bị phá trên địa bàn huyện Mường Chà cũng rất khó khăn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, từ đầu năm 2018 đến nay, trong số 11,77ha rừng bị phá cần phải trồng mới thay thế, đến thời điểm này hầu hết các đối tượng phá rừng đều không thực hiện trồng thay thế được, một số diện tích thì để tái sinh tự nhiên. Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Trong số 11,77ha diện tích rừng nói trên, có 10ha rừng bị thiệt hại có thể tái sinh tự nhiên, với những loại cây dễ phát triển như thồ lộ, ba soi, thành ngạnh… thì sau khoảng 2 năm là rừng đã phủ xanh. Ðối với diện tích còn lại không thể tái sinh tự nhiên thì hầu hết người vi phạm đều không có điều kiện về kinh tế, không có nguồn lực để thực hiện trồng mới rừng, đến nay đều để đất trống.

Ðể hạn chế tình trạng phá rừng, thời gian tới lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng làm nương. Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, dân quân, UBND xã và một số cơ quan, đoàn thể huyện tăng cường phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đến người dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn, đặc biệt là 3 xã trọng điểm diễn ra tình trạng phá rừng làm nương gồm: Na Sang, Mường Mươn và Huổi Mí. Ðồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp chính quyền địa phương vận động, tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiệm thu kết quả cung ứng phí dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư… để bà con thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

“Tuy nhiên, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, cùng với nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, những địa bàn trọng điểm thì cấp thiết phải tạo việc làm ổn định, tăng năng suất lao động, sản lượng nông nghiệp để đảm bảo đời sống người dân” - ông Lường Văn Toàn khẳng định.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top