Chủ đầu tư cấp xã khó lựa chọn nhà thầu

09:02 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 14592 In bài viết

ĐBP - Thực hiện đầu tư các dự án nhóm C quy mô nhỏ, khởi công mới năm 2019, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mường Nhé đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các xã để xây dựng một số nhà văn hóa xã, đường giao thông nông thôn. Ðiều kiện để các đơn vị tham gia đấu thầu phải là các hợp tác xã, tổ, đội, nhóm cộng đồng xây dựng tại địa phương nên đã gây ra không ít khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu.

Công trình nhà văn hóa xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) được giao cho UBND xã làm chủ đầu tư.

Những ngày tháng 6, chúng tôi có mặt tại công trình nhà văn hóa xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé). Ðây là công trình cấp III, có sức chứa 150 người theo mẫu NVH-X-150, 1 tầng, với diện tích trên 300m2. Nếu đúng theo phương án thi công, UBND xã Sen Thượng (chủ đầu tư) phải lựa chọn nhà thầu là các hợp tác xã, tổ, đội, nhóm cộng đồng xây dựng là người địa phương. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đơn vị thi công công trình là Doanh nghiệp Tư nhân Ðại Phong. Phía doanh nghiệp tiến hành khởi công từ tháng 5 và đến đầu tháng 6 đã xong phần san ủi mặt bằng và đào hố móng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Trước khi thi công nhà văn hóa xã, UBND xã Sen Thượng đã họp thống nhất, thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 và công trình nhà văn hóa xã đã giao cho Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Sen Thượng làm đại diện chủ đầu tư. Về phương án xây dựng, ban lựa chọn nhà thầu là tổ thợ địa phương để thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu; song do trình độ, tay nghề của người dân trong xã còn hạn chế nên chưa đủ năng lực để thi công công trình. Vì vậy, UBND xã đã liên kết với Doanh nghiệp Tư nhân Ðại Phong để thi công công trình; đồng thời huy động thêm lực lượng thanh niên, nhân dân tham gia phụ hồ, vận chuyển vật liệu kết hợp với giám sát công trình.

Cũng giống như xã Sen Thượng, công trình nhà văn hóa xã Pá Mỳ yêu cầu giao cho tổ thợ tại địa phương thi công theo cơ chế đặc thù, khiến UBND xã lúng túng trong lựa chọn nhà thầu. Ông Giàng A Chống, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ cho biết: Thực tế cho thấy, khi áp dụng cơ chế đặc thù, UBND các xã sẽ làm chủ đầu tư thực hiện một số dự án nhóm C có quy mô nhỏ. Song do năng lực về máy móc, thiết bị cũng như trình độ kỹ thuật và tay nghề ở địa phương còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Ðấu thầu...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù khó khăn như vậy nhưng khi được giao nguồn vốn, các xã đã triển khai các bước theo trình tự với đầy đủ thủ tục theo quy định; đồng thời thông báo, niêm yết công khai hồ sơ lựa chọn nhà thầu ở trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, điều kiện về nhân lực, phương tiện máy móc của các tổ, nhóm thợ địa phương hạn chế nên phải nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Nói về phương án của UBND huyện, ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết thêm: Trước những khó khăn trong thực hiện đầu tư các dự án nhóm C quy mô nhỏ, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các xã làm đại diện chủ đầu tư cũng có ý kiến với UBND huyện trong các cuộc họp. Vì vậy, UBND huyện cũng đề ra 2 phương án: Thứ nhất là phải ưu tiên tổ, nhóm thợ tại địa phương trong thi công các công trình mục tiêu quốc gia nếu họ có năng lực; và thứ hai là nếu xã không lựa chọn được tổ, nhóm thợ địa phương thì có thể hợp đồng với một doanh nghiệp để công trình đảm bảo về chất lượng và tiến độ.

Trong danh mục chủ trương đầu tư các dự án nhóm C quy mô nhỏ, khởi công mới năm 2019, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Mường Nhé có 18 công trình. Theo Quyết định số 2273/QÐ-UBND ngày 29/10/2018, UBND huyện Mường Nhé đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án nhóm C quy mô nhỏ cho Ban Quản lý dự án các công trình huyện và UBND các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Mường Toong, Pá Mỳ, Huổi Lếch và Nậm Kè. Tuy nhiên, năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ lãnh đạo UBND xã, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng rất hạn chế, khiến tiến độ thi công các công trình gặp không ít khó khăn.

Về phía huyện Mường Nhé, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định: Khi giao cho các địa phương làm đại diện chủ đầu tư một số công trình nhóm C quy mô nhỏ, chủ đầu tư cấp xã đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu là tổ, nhóm thợ tại địa phương và cả về trình tự thủ tục. Vì vậy, để giúp các xã đẩy nhanh tiến độ công trình, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, như: Ban Quản lý dự án huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện... hướng dẫn các địa phương từng bước triển khai theo đúng quy định.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Duy Linh, Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2016/NÐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số chương trình mục tiêu quốc gia. Vì mới triển khai nên hiện nay Sở Xây dựng vẫn trong quá trình tập hợp ý kiến của các huyện, thị, thành phố về quá trình thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135. Tuy nhiên, không riêng tỉnh Ðiện Biên, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng gặp vướng mắc trong thực hiện. Ðể khắc phục khó khăn, năm 2017, Sở Xây dựng đã tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho các xã về việc triển khai cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số chương trình mục tiêu quốc gia để các công trình, dự án đảm bảo về chất lượng và tiến độ.

Mục đích của việc giao cấp xã làm chủ đầu tư nhằm lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp thực tế tại cơ sở, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực điều hành và quản lý của cán bộ xã. Giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu để giám sát đầu tư và thi công các công trình là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Mường Nhé cũng cần nghiên cứu để có giải pháp hợp lý nhất trong khắc phục những bất cập khi xã làm chủ đầu tư, nhằm bảo đảm hiệu quả các công trình; đồng thời chú trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực cho cán bộ cấp xã; bổ sung cán bộ có năng lực, trình độ tham gia quản lý, thực hiện các hợp phần xã làm chủ đầu tư để nâng cao chất lượng cũng như tiến độ các công trình.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top