Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ

08:33 - Thứ Hai, 23/09/2019 Lượt xem: 12845 In bài viết

ĐBP - Ngày 12/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Thực hiện Luật, thời gian qua các cấp, ngành tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Song hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ thủ tục, tài chính - tín dụng, mặt bằng…

Công nhân Doanh nghiệp Thành Long thi công tuyến đường bản Chua Ta A, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông).

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 21.300 tỷ đồng; trong đó 1.235 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97,32% tổng số doanh nghiệp cả tỉnh). Thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ðồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ về đào tạo nâng cao năng lực quản lý, cung cấp các thông tin về thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế; các dự án thu hút nhiều lao động...

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Tại các cuộc đối thoại với UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng: Thời gian xử lý thủ tục xin chủ trương đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn chậm, mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí của nhà đầu tư; quá trình thẩm định hồ sơ dự án của các cơ quan chuyên ngành còn chậm, có nhiều bất cập và vượt quá thời gian quy định, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng, các sở, ngành còn chậm trễ; còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất, mặt bằng kinh doanh thương mại tại trung tâm các huyện thị, thành phố để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ; gia hạn vay ngân hàng mất nhiều thời gian; chậm thanh toán vốn các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ðặng Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư Tài nguyên và Năng lượng Ðiện Biên cho biết: Ðể thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Núa (địa bàn xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên). Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng; thủ tục, giấy tờ phức tạp. Ðể có vốn thực hiện Dự án, Công ty đã làm hồ sơ trình Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Ðiện Biên đề nghị được vay vốn nhưng vì nhiều lý do nên không được chấp thuận. Sau đó, đơn vị tiếp tục làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Ðầu tư Châu Âu (còn gọi là Ngân hàng Tái thiết Ðức, liên kết với Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay vốn), song không được duyệt, với lý do “dự án không hiệu quả”. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch. Hiện nay dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách địa phương, bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia.

Dự án Trang trại nuôi dê và Khu chế biến thức ăn cho dê của Công ty TNHH Công nghệ xanh (đội C2, xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) cũng gặp những khó khăn tương tự. Ðại diện lãnh đạo công ty cho biết: Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 1/8/2016; tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Dự án đã qua thẩm định của các sở, ngành và được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Công ty khó tiếp cận vốn vay cũng với lý do “dự án không có hiệu quả đầu tư”. Thiếu vốn nên hiện nay, Dự án mới triển khai thực hiện được một số hạng mục như: Xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà điều hành, nhà kho, khu chế biến thức ăn; hệ thống điện, nước và các công trình thoát nước…

Tại kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về việc Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023. Theo đó, tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính; tài chính, tín dụng; mặt bằng sản xuất; phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường… Các doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, trung tâm hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công các huyện, thị xã, thành phố. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Doanh nghiệp được ưu tiên bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật…

Chính sách đã có, vấn đề là các cấp, ngành chức năng cần sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được thụ hưởng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top