Chuyển biến tích cực trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ

08:36 - Thứ Hai, 23/09/2019 Lượt xem: 12806 In bài viết

ĐBP - Hơn một thập kỷ qua, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tỉnh ta đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và ban hành các chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm phát triển các ngành dịch vụ, thương mại đúng định hướng.

Người dân TP. Ðiện Biên Phủ mua sắm tại Siêu thị Hoa Ba.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, riêng lĩnh vực thương mại - dịch vụ giai đoạn 2004 - 2018 của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 10,63%/năm; tổng giá trị sản phẩm ngành thương mại - dịch vụ đạt 54.288 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ đạt 70.690,1 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 20,77%/năm; riêng năm 2018 đạt 11.142 tỷ đồng, gấp 14,79 lần so với năm 2004. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 363,88 triệu USD (trong đó, xuất khẩu đạt 230,74 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 35,17%; nhập khẩu đạt 133,14 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 30,64%).

Ðiện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử. Những năm qua, tỉnh ta đã khai thác, phát huy tiềm năng của quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ và bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm dựa trên các giá trị lịch sử như: “Hành quân theo dấu chân chiến sĩ Ðiện Biên”; “Hành quân theo chiến dịch”; “Du lịch xe đạp thồ”… Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030 và đã được Ban Bí thư thống nhất về chủ trương. Hiện nay, các ngành chức năng đang khẩn trương hoàn thiện Ðề án theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tìm nguồn đầu tư ngoài ngân sách xây dựng các khu du lịch sinh thái như: Hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, hang động Pa Thơm, sông Nậm Rốm, các điểm thu hút du lịch “phượt”... Chính quyền các địa phương cũng chú trọng phát triển các dòng sản phẩm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể như: Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc Tây Bắc, du lịch lễ hội, tâm linh, về nguồn: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội thành Bản Phủ, Xên Mường… góp phần làm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với Ðiện Biên. Kết quả phát triển du lịch thể hiện rõ nhất qua các con số về lượng khách đến và doanh thu từ các hoạt động du lịch. Ðơn cử như năm 2018, Ðiện Biên đón khoảng 705.000 lượt khách (tăng 527.000 lượt so với năm 2004), tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng (tăng 1.124,6 tỷ đồng so với năm 2004); giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động.

Những năm qua, mạng lưới dịch vụ - thương mại của tỉnh phát triển mạnh, hàng hóa đa dạng, phong phú với các phương thức bán hàng hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử, cửa hàng tự chọn ở thành phố, thị xã và trung tâm bán buôn, bán lẻ tại các huyện… tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

TP. Ðiện Biên Phủ - đô thị trung tâm của tỉnh đã và đang tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - thương mại. Theo thống kê của UBND TP. Ðiện Biên Phủ, hiện nay thành phố có 9 doanh nghiệp Nhà nước, 245 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 12 hợp tác xã và gần 5.600 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Cùng với những chính sách ưu đãi của tỉnh, nhằm từng bước thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển xứng tầm với vị trí đô thị trung tâm, TP. Ðiện Biên Phủ đã có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của địa phương. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn… Năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 4.730 tỷ đồng, tăng 3,3% (tương đương tăng 32,5 tỷ đồng) so với năm 2017; doanh thu lĩnh vực thương mại trên địa bàn thành phố đạt 3.350 tỷ đồng, ngành dịch vụ ước đạt trên 1.383 tỷ đồng. Năm 2019, TP. Ðiện Biên Phủ đặt mục tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt 4.950 tỷ đồng (tăng hơn 220 tỷ đồng so với năm 2018).

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top