Chủ động kiềm chế lạm phát

08:50 - Thứ Sáu, 27/09/2019 Lượt xem: 11850 In bài viết

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,28% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng khá thấp và tạo ra tâm lý “an tâm” đối với các cơ quan chức năng. Tuy vậy, vẫn cần tập trung cho công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm để chủ động kiềm chế lạm phát...

Làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa là những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Ảnh: Sơn Hà

Thực tế cho thấy, giá cả hầu hết các nhóm hàng đều chỉ tăng nhẹ hoặc giảm. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào, liên tục nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cũng như an tâm về khả năng chi trả của cá nhân/gia đình. Trong đó, phần lớn các loại thực phẩm, rau quả, hàng công nghệ phẩm... đều ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chị Nguyễn Thị Na, ở số nhà 23 Bà Triệu xác nhận, tình hình giá cả diễn ra ổn định, hàng hóa nhiều và thuận lợi cho người tiêu dùng...

Đặc biệt, giá xăng dầu vẫn duy trì xu hướng giảm trong thời gian gần đây, là “trợ thủ” đắc lực cho việc kiềm chế lạm phát. Cụ thể, giá các loại xăng vừa giảm nhẹ trong đợt điều chỉnh ngày 16-9 và đây là lần thứ 4 giá nhiên liệu giảm kể từ tháng 7. Trên thực tế, xăng dầu là đầu vào của nhóm giao thông trong khi nhóm này là yếu tố quan trọng, tác động lớn đến diễn biến CPI. Từ đó, việc “hạ nhiệt” giá xăng dầu luôn kéo chỉ số nhóm giao thông xuống và mang lại hiệu ứng tích cực góp phần kìm hãm đà tăng giá tiêu dùng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự báo mức lạm phát năm 2019 có thể thấp hơn mục tiêu đề ra, tuy vẫn cần theo dõi sát sao nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng cũng như tránh gây áp lực cho vấn đề kiểm soát lạm phát của năm sau. Chia sẻ quan điểm này, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, tình hình hiện tại cho thấy CPI vẫn nằm trong khả năng, tầm kiểm soát cũng như kịch bản ứng phó của Chính phủ; không có gì đáng lo ngại.

Tình hình từ nay đến cuối năm cũng đặt ra một vài vấn đề cần quan tâm, chủ động đối phó. Trong đó, do sự thiếu hụt nguồn cung nên thịt lợn vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu. Về vấn đề này, các doanh nghiệp đang thực hiện vận chuyển lợn từ phía Nam ra Bắc nhằm bình ổn thị trường. Hoạt động này là hợp lý và kịp thời, sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong việc chặn đà tăng giá của mặt hàng này.

Đáng lưu ý, diễn biến thị trường nhiên liệu quốc tế tiếp tục là một ẩn số và rất khó đoán định. Cụ thể, tình hình cung ứng dầu thô đang trở nên phức tạp bởi sự cố tại hai nhà máy lọc dầu của Arab Saudi vừa qua cũng như nguy cơ có thể bùng nổ xung đột tại khu vực sản xuất, cung ứng dầu thô quan trọng hàng đầu của thế giới. Nếu xảy ra tình huống xấu thì nguồn cung nhiên liệu thế giới sẽ thiếu hụt và lập tức đẩy giá nhiên liệu lên cao. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng giá xăng dầu trong nước, làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng lên - ảnh hưởng đến CPI...

Từ góc độ quản lý, các cơ quan chức năng đang theo dõi tình hình khi giá dầu Brent đã tăng lên gần 65 USD/thùng. Tình hình vẫn sẽ là khó dự đoán mặc dù việc giá dầu thô trên thị trường quốc tế thường xuyên được theo dõi và đặt trong tính toán từ đầu năm của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá. Song, vấn đề đặt ra là cần có sự chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tình hình để khống chế CPI trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, cần lưu ý đến khả năng chi tiêu đối với các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nên quan tâm thỏa đáng đến tập quán gia tăng nhu cầu mua sắm, nhất là thực phẩm, hàng gia dụng vào dịp cuối năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi, rà soát tình hình, tìm dư địa cho việc giảm giá hàng hóa và dứt khoát giảm giá đối với trường hợp có thể giảm. Vì thế, cơ quan quản lý, các địa phương cần nắm bắt thực tế, tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm cân đối cung - cầu trên địa bàn. Tất cả nhằm bảo đảm kiềm chế mức lạm phát dưới 4% như chỉ tiêu đề ra.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top