Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Xây dựng nông thôn mới ở Chà Nưa: Áp dụng cách làm “cũ” để về đích nông thôn mới!

09:06 - Thứ Sáu, 27/09/2019 Lượt xem: 15013 In bài viết

ĐBP - “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” là những lời dạy quý giá mà mỗi cán bộ, đảng viên ở xã biên giới Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) luôn học và làm theo Bác. Ðể từ đó đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chỉ trong 3 năm tích cực học tập và làm theo những lời dạy của Bác, xã Chà Nưa đã “cán đích” nông thôn mới một cách ngoạn mục vào cuối năm 2018, sớm 2 năm so với mục tiêu…

Một cây cầu treo bắc qua suối để sang bản Nà Sự (xã Chà Nưa). Ảnh: Đức Thành

Cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu

Trên đường từ kilômet số 0 vào ngã ba biên giới A Pa Chải theo quốc lộ 4H, chúng tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp “một vùng du lịch sinh thái” giữa núi rừng Tây Bắc. Những ngôi nhà sàn khang trang nhưng vẫn mang đậm vẻ truyền thống của người Thái. Hàng cây hoa ban đều tăm tắp chạy dọc bên con đường nhựa phẳng phiu, uốn cong theo các triền đồi. Những bản làng trù phú nằm thấp thoáng trong những tán rừng hoặc đan xen giữa màu xanh mơn man của lúa. Trên những nhánh đường vào bản, từng tốp trẻ em ríu rít đến trường. Ðó chính là Chà Nưa - xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Nậm Pồ. Ðể có được thành quả ấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp là sự tiên phong đi đầu của cán bộ đảng viên, sự đoàn kết, đồng lòng của mỗi người dân nơi đây. Và không thể không nói đến vai trò của người đứng đầu cấp ủy, người khởi xướng và luôn đi đầu trong các phong trào ở Chà Nưa - Bí thư Ðảng ủy xã Khoàng Văn Van.

Năm 2013, khi huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở chia tách một số xã của huyện Mường Chà và Mường Nhé, anh Khoàng Văn Van vốn là giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chà Nưa được cất nhắc giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng HÐND - UBND huyện Nậm Pồ. Trong bộn bề khó khăn của một huyện nghèo mới thành lập, song anh đã nhanh chóng thích ứng và luôn hoàn thành tốt công việc được Ðảng và Nhà nước phân công. Thế nhưng, những hình ảnh khó khăn vất vả của người dân nghèo ở xã Chà Nưa - nơi chôn rau cắt rốn vẫn luôn hiện về làm anh day dứt. Ngoài những thành tích ban đầu trong sự nghiệp giáo dục thì anh vẫn chưa làm được gì nhiều để giúp người dân địa phương… Tháng 6/2015, khi huyện Nậm Pồ có chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, anh đã tình nguyện xin về Chà Nưa để tiếp tục sự nghiệp và giúp người dân quê hương mình thoát cảnh đói nghèo…

Với vai trò là Bí thư Ðảng ủy xã, phải làm gì để người dân nhanh chóng thoát nghèo? Ðó là câu hỏi khó đặt ra đối với anh trên cương vị mới khiến anh nhiều đêm thao thức. Ðội ngũ cấp ủy, chính quyền hoạt động chưa hiệu quả, sức ì trong cán bộ còn lớn và thực trạng “bảo gì làm đấy”, làm việc không có kế hoạch vẫn tồn tại từ nhiều năm nay… Là một xã có những điều kiện thuận lợi nhất định so với các xã khác trong huyện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Chà Nưa vẫn còn khá cao (53% năm 2016). Việc đầu tiên anh bàn bạc trong cấp ủy để lắng nghe những ý kiến và bàn giải pháp tháo gỡ. Song song với đó là tham khảo ý kiến của các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín ở các thôn, bản. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của xã được ban hành với các nội dung và mục tiêu cụ thể, sát thực tế. Ngay sau đó, nghị quyết được quán triệt và triển khai đến từng chi bộ, đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, bản.

Ðể thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong nghị quyết, trước tiên đội ngũ cán bộ phải tiên phong, gương mẫu và có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, công tác sàng lọc cán bộ từ xã đến thôn bản được tiến hành một cách nghiêm túc. Nhiều trường hợp là người nhà, người trong dòng họ của cán bộ xã, huyện nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng cho nghỉ việc hoặc bố trí làm việc khác phù hợp. Với quan điểm dứt khoát, nói đi đôi với làm và luôn gương mẫu, đi đầu nên có lúc anh Van đã phải đối diện với những phản ứng thiếu tích cực từ người dân, thậm chí cả người trong dòng tộc. Với yêu cầu và cách làm như vậy nên diện cán bộ được sắp xếp lại vị trí công tác hoặc cho nghỉ việc chiếm khá nhiều. Ðối với trưởng bản và bí thư chi bộ thôn bản cũng được thay đổi gần hết vì theo anh Van, người cán bộ trực tiếp hằng ngày với dân thì phải gương mẫu, đi đầu; phải nhanh nhẹn và có trách nhiệm, có uy tín với cộng đồng. Bằng tinh thần làm việc khách quan, công tâm và có trách nhiệm, không lâu sau đó Bí thư Ðảng ủy Khoàng Văn Van đã nhận được sự ủng hộ của đa số cán bộ, đảng viên và người dân, những người trước đây không ủng hộ cách làm của anh giờ cũng trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền.

Song song với các giải pháp đồng bộ để triển khai các chủ trương, chính sách của Ðảng, gắn với việc triển khai nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bí thư Ðảng ủy xã Khoàng Văn Van cũng sát sao trong việc vận động cán bộ, đảng viên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Theo anh, cán bộ phải làm được thì nói dân mới tin, cán bộ phải biết cách làm giàu chính đáng thì mới giúp dân làm giàu được. Vì thế, anh đã vận động gia đình, con cháu dành hàng nghìn công lao động và thuê máy xúc cải tạo, bồi đắp khoảng đất trống ven suối để giữ nước, làm ao thả cá. Chỉ hơn 1 năm sau, 2 ao cá của anh đã mang lại khoản thu nhập đáng kể cho gia đình và là nguồn cải thiện đời sống hàng ngày. Mỗi khi tháo nước để nạo vét ao, anh gọi người dân trong bản đến cùng bắt cá và ai cũng được vài cân cá mang về. Với suy nghĩ, trước đây đất này bỏ hoang nhưng cũng là đất của cộng đồng, của bản, thế nên bây giờ mình làm được thì san sẻ cho bà con trên tinh thần “có lộc cùng hưởng”. Cùng suy nghĩ ấy, những năm trước khi chia lại đất ruộng, gia đình anh cũng chỉ nhận một phần đủ để làm còn lại chia cho bà con nhiều thửa ruộng lớn mà trước đây vốn do bố mẹ, ông bà anh đã khai hoang…

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” anh nhận thấy người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bỏ tiền ra mua vật liệu để xây dựng và sửa sang nhà cửa. Anh quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung trị giá trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn dành dụm của gia đình và vay thêm. Từ đó, người dân được mua gạch với “giá gốc” mà không phải chịu cước vận chuyển từ nơi khác đến. Bên cạnh đó nhiều gia đình có nhu cầu đá để san lấp đường đi lối lại anh lại đứng ra kêu gọi ủng hộ. Với cách làm như vậy chẳng mấy chốc bộ mặt nông thôn đã đổi thay nhanh chóng, cả về cảnh quan và đời sống. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã chỉ còn 11,41% (giảm hơn 40% so với năm 2016). Trong những thành công ấy thì sự tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên luôn đóng vai trò quan trọng vì đã làm cho các phong trào lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Trong đó, người khởi xướng và luôn đi đầu trong các phong trào chính là Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van.

Nhiều cách làm hay để xây dựng nông thôn mới

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, trở ngại lớn nhất mà các địa phương thường đặt ra chính là vấn đề kinh phí. Ðặc biệt là ở các xã vùng cao, biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ðó là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn như: Cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa hay tiêu chí hộ nghèo… Thế nhưng ở xã Chà Nưa thì khác. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của người dân đã thực hiện linh hoạt các giải pháp để hoàn thành từng tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới là làm thay đổi bộ mặt nông thôn, bên cạnh việc phát triển mọi mặt về đời sống, kinh tế, xã hội thì cảnh quan môi trường sống vô cùng quan trọng. Ðó cũng là một trong những tiêu chí tuy không khó nhưng không phải ở đâu cũng làm được. Tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp không những là bộ mặt của nông thôn mới mà còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Từ tháng 8/2015, xã Chà Nưa đã trồng 1.200 cây hoa ban. Người dân Chà Nưa vẫn gọi đây là “dự án 0 đồng” vì do họ tự trồng, bảo vệ và chăm sóc. Hiện nay, 1.200 cây hoa ban trải dọc khoảng 7km theo quốc lộ 4H và các đường nhánh vào bản ở Chà Nưa đã cao bằng nóc nhà sàn…

Cùng chúng tôi đi trên con đường nhựa phẳng phiu dưới tán những cây hoa ban xanh mướt, anh Khoàng Văn Van cho biết: Ở Chà Nưa có 83% là dân tộc Thái mà vẻ đẹp của hoa ban lại đại diện cho vẻ đẹp của người con gái Thái. Vì thế trồng cây hoa ban để tạo một vẻ đẹp đặc trưng cho địa phương là điều cần thiết. Ðể dự án thành công, một mặt xã cử cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ đi lấy hạt giống khi mùa hoa ban kết thúc. Sau đó giao cho cán bộ có trình độ về nông, lâm nghiệp phụ trách ươm giống. Bên cạnh đó triển khai công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa và ủng hộ dự án. Vì thế, khi triển khai trồng thì người dân rất đồng tình ủng hộ, mỗi gia đình nhận trồng 3 cây ban, kèm theo đó là trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ để cây ban phát triển; tạo cảnh quan đẹp cho nông thôn ở Chà Nưa.

Khi mới được giao trọng trách là người đứng đầu địa phương, một trong những việc anh Khoàng Văn Van trăn trở là rừng ở Chà Nưa ngày càng ít đi. Tiếng máy cưa, máy xẻ hoạt động khắp các thôn bản, gỗ được người dân khai thác không chỉ phục vụ cho việc làm nhà mà còn được bán đi nơi khác dưới hình thức “bán nhà” để lách luật! Trước thực trạng đó, anh đã đưa vấn đề ra bàn bạc kỹ trong cấp ủy, xin ý kiến và tranh thủ sự ủng hộ của các vị già làng, trưởng dòng họ. Sau khi thống nhất giải pháp thực hiện, xã đã cử cán bộ xuống tận bản, vào từng gia đình kê khai số gỗ đang có và vận động ký cam kết không chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Nếu gia đình nào có số gỗ phát sinh so với lúc kê khai thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng và trước pháp luật.

Mềm dẻo, linh hoạt nhưng dứt khoát nên từ đó người dân không còn vào rừng khai thác gỗ nữa và những cánh rừng đã dần trở lại xanh tốt. Không những thế, khi xã có chủ trương mở đường tuần tra rừng thì người dân cũng đồng lòng dốc sức ủng hộ hàng vạn ngày công. Ðến nay, các thôn bản của xã Chà Nưa đều đã có đường tuần tra , bảo vệ rừng có thể đi bằng xe gắn máy với tổng số 36km trên 11 tuyến. Và điều đặc biệt là dự án đường tuần tra, bảo vệ rừng cũng là “dự án 0 đồng” hoàn toàn do người dân làm bằng tinh thần tự giác và trách nhiệm.

Trong quá trình tìm hiểu về những bí quyết xây dựng nông thôn mới ở Chà Nưa chúng tôi đã được nghe những người già nói nhiều đến vai trò của Bí thư Ðảng ủy xã Khoàng Văn Van. Họ kể rằng: Chẳng ai như nó, khi huyện cho tiền để cứu đói người dân thì nó bảo xã không lấy, đem đi cho nơi khác vì nhiều nơi còn khó khăn hơn. Nếu người dân Chà Nưa mà có người bị đói thì người dân trong xã, trong bản có thể tự cứu đói được... Khi huyện cho dự án nuôi dê thì nó cũng bảo không lấy vì vùng này không có điều kiện phù hợp để nuôi dê, có nuôi thì nó cũng chết. Thế mà nhiều nơi khác cứ cho gì là họ nhận, không nuôi được thì họ bán hoặc thịt, “thằng” Van bảo không được làm thế, làm thế là có lỗi với Ðảng, với Nhà nước.

Khi chúng tôi hỏi anh làm như vậy không sợ cán bộ cấp trên tự ái sao? Anh chỉ cười và nói: Tự ái sao được, chúng tôi làm theo lời Bác dạy đấy chứ, Bác có dạy cán bộ làm việc gì cho dân thì “Trước hết phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh…”.

Ngoài dự án trồng 1.200 cây hoa ban và 11 tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng dài 36km thì chúng tôi được biết ở Chà Nưa còn nhiều “dự án 0 đồng” nữa, như: Gần chục kilômet đường nội đồng hay 106 lò đốt rác thải sinh hoạt… Những dự án như vậy đã góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và làm thay đổi diện mạo của một vùng nông thôn miền núi. Thế nhưng, giá trị lớn hơn thế mà những “công trình 0 đồng” mang lại không thể tính bằng tiền. Mà nó thể hiện một giá trị to lớn khác đó chính là hiệu quả trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó tạo dựng được niềm tin và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân. Chẳng thế mà Chà Nưa đã về đích nông thôn mới sớm 2 năm so với kế hoạch, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng nông thôn mới ở Chà Nưa không phải cái gì đó mới mẻ hay cao siêu. Bí quyết thành công ở đây chính là mỗi lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên đều nghĩ đến lợi ích của dân, vì nhân dân mà phục vụ như những lời dạy của Bác. Phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân luôn được cán bộ, đảng viên lấy làm mục tiêu để phấn đấu. Từ đó, mỗi cán bộ chủ động nắm chắc tình hình từ cơ sở, phát hiện và tập trung giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích cao trong mọi lĩnh vực. Ðể từ đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, với chính quyền, tạo nên những phong trào thi đua và lan tỏa đến mỗi người dân.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top