Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ở Xuân Lao

08:50 - Thứ Năm, 03/10/2019 Lượt xem: 11341 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối tháng 9, trên cánh đồng các bản: Co Hịa, Co Muông, bản Pí, bản Kéo (xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng) lúa ngả vàng chín sáp, một số hộ gieo cấy sớm lác đác thu hoạch. Niềm vui nhân lên với cả trăm hộ dân nơi đây khi có vụ mùa vàng bội thu từ việc mạnh dạn tham gia mô hình thâm canh lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 kháng bạc lá nằm trong Dự án Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc do Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm miền núi phía Bắc hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Thành công này đã mở hướng sản xuất hàng hóa theo mô hình liên kết “4 nhà” cho những người nông dân nơi đây vốn chỉ quen trồng lúa bằng kinh nghiệm, làm bằng thói quen…

Nông dân tham gia mô hình thâm canh lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 kháng bạc lá tại xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) thu hoạch lúa.

Dẫn chúng tôi thăm khoảnh ruộng lúa chín vàng óng trĩu bông chờ ngày thu hoạch, ông Lò Văn Ún, Trưởng bản Co Hịa là hộ tham gia mô hình và là người tích cực vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình thâm canh lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7. Ông Ún tâm sự: Giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá không phải là loại giống mới trong sản xuất ở nhiều nơi nhưng với chúng tôi thì đây là lần đầu tiên đưa vào gieo cấy theo phương pháp SRI (kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến). Trong bản không nhiều diện tích lúa nước nên việc vận động bà con tham gia mô hình không dễ. Phần vì lo nếu mô hình không thành công sẽ ảnh hưởng đến nguồn lương thực, sợ gia đình thiếu đói; phần vì quen trồng lúa theo kinh nghiệm vẫn cho thu hoạch dù năng suất không cao, tư tưởng an phận của một bộ phận bà con vẫn còn, ngại áp dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới. Vì vậy, tôi phải đăng ký tham gia vừa để áp dụng kỹ thuật mới vừa để bà con yên tâm cùng đăng ký. Sau gần 5 tháng kể từ khi vận động thực hiện mô hình đến nay chuẩn bị cho thu hoạch, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi mô hình sản xuất này đem lại năng suất lúa cao hơn so với các diện tích sản xuất theo phương pháp truyền thống, trong khi chi phí vật tư “đầu vào” giảm. Ước tính vụ này, năng suất lúa trên thửa ruộng hơn 500m2 thực hiện mô hình của gia đình đạt khoảng 64 tạ/ha, cao hơn 12 tạ/ha so với diện tích ngoài mô hình.

Ông Lò Văn Nhất, hộ tham gia mô hình ở bản Kéo nhớ lại: Trước đây tôi cũng phân vân lắm bởi cả nhà chỉ có khoảnh ruộng 800m2, lương thực trông phần nhiều vào đó. Nếu chẳng may mô hình không thành công, thất thu thì lương thực gần nửa năm của gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng được sự động viên, khích lệ tôi đã quyết định tham gia. Khi tham gia mô hình, không chỉ được cấp 100% lúa giống, hỗ trợ 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn cách xử lý ngâm ủ hạt giống, kỹ thuật làm đất, gieo trồng; bón phân, quản lý nước rồi phòng trừ sâu bệnh hại cũng như biện pháp thu hoạch hiệu quả không để các hạt thóc rơi rụng nhiều… Với 800m2 sản xuất lúa Bắc thơm số 7 theo phương pháp SRI, năng suất đạt hơn hơn 64tạ/ha (cao hơn gần 13 tạ/ha so với phương pháp canh tác lúa truyền thống). Sau khi thu hoạch, chúng tôi được Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green Ðiện Biên thu mua theo hợp đồng cam kết trước đó nên không chỉ riêng tôi và bà con đều yên tâm khi mở rộng sản xuất hàng hóa trong thời gian tới.

Anh Lò Văn Tiên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh - người trực tiếp hướng dẫn người dân xã Xuân Lao thực hiện mô hình cho biết: Giúp bà con có kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với việc tập huấn, hướng dẫn; tôi cùng cán bộ khuyến nông xã, các trưởng bản thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp trên diện tích các hộ đăng ký tham gia mô hình. Ðịnh kỳ kiểm tra theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như theo dõi tình hình sâu bệnh xuất hiện để hướng dẫn người dân kịp thời phun trừ hiệu quả. Giai đoạn cây lúa đẻ nhánh - làm đòng xuất hiện tập đoàn rầy nâu, có những nơi cục bộ vài trăm con/m2, chúng tôi hướng dẫn và cấp thuốc trừ rầy để bà con phun trừ, sau đó hướng dẫn tăng cường bón phân hữu cơ, phun bổ sung dinh dưỡng thông qua một số loại phân bón lá, nhờ đó diện tích nhiễm rầy không ảnh hưởng nhiều đến năng suất bình quân của mô hình. Bên cạnh đó, do thực hiện theo phương pháp thâm canh SRI nên các chi phí sản xuất “đầu vào” đều thấp hơn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nhất là việc tổ chức sản xuất theo nhóm hộ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác trên toàn bộ 20ha của mô hình đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét khi năng suất lúa vụ mùa năm 2019 đạt 64,5 tạ/ha, tăng 11,5 tạ/ha so với giống Bắc Thơm số 7 ngoài mô hình (53 tạ/ha) và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn 25,7% so với ngoài mô hình. Năng suất cao lại tiết kiệm được chi phí “đầu vào” nên hiệu quả của mô hình cao hơn chục triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình; tiết kiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, làm cỏ và đặc biệt là hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế ô nhiễm môi trường; mô hình được thực hiện trong tổng thể dự án đã góp phần tích cực giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng của sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng hiện nay là kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ðây cũng là mục tiêu mà Dự án Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc do Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm miền núi phía Bắc đã thực hiện thành công ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh trong vài năm qua, như: Thanh An (huyện Ðiện Biên), phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ)… đưa sản phẩm lúa gạo phát triển theo chuỗi, tăng thu nhập cho các tác nhân trong chuỗi, đặc biệt là đem lại hiệu quả cao cho nông hộ; hướng đến sản xuất bền vững...

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top